Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và kỹ thuật, từ viễn thông truyền thống đến hệ thống và các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhất. Viễn thông ngày một quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP ngày càng tăng, tạo nhiều việc làm cho xã hội. Về mặt kỹ thuật ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, vấn đề còn lại là làm thế nào để quản lý, khai thác sao cho đạt hiệu quả cao, điều này đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng nền tảng văn hóa kinh doanh tích cực. Trong quá trình đó, trở ngại lớn là vấn đề thuật ngữ viết bằng tiếng nước ngoài, đây là điều mà nhóm biên soạn rất quan tâm. Quyển sách “Thuật ngữ Kinh tế Viễn thông Anh–Việt” ra đời với mong mỏi sẽ đáp ứng được phần nào các nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu. Mục tiêu mà sách hướng tới là:
– Giải thích các thuật ngữ đã tập hợp.
– Góp phần chuẩn hóa các thuật ngữ chuyên ngành.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh trong việc khai thác, sử dụng tài liệu tiếng Anh chuyên ngành.
– Góp phần hỗ trợ nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trong ngành.
Bố cục sách được trình bày để người đọc tiện tra cứu: danh mục từ viết tắt, mục lục bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nội dung các thuật ngữ. Sách gồm 416 thuật ngữ, các thuật ngữ được biên soạn theo các nội dung chính cơ bản về Kinh tế Viễn thông, bao gồm:
– Đặc tính kinh tế ngành Viễn thông.
– Cạnh tranh trong viễn thông.
– Công nghệ viễn thông.
– Nhà khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông.
– Kết nối.
– Chi phí.
– Giá cước.
– Cấp phép.
– Dịch vụ công ích.
– Các tổ chức quốc tế liên quan đến quản lí viễn thông.
Đây là mảng đề tài rộng, số lượng những mục từ dùng trong thực tế hoạt động là rất lớn. Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã cố gắng nhưng khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi rất mong được đón nhận và tiếp thu tất cả sự đóng góp của quý độc giả để các lần xuất bản sau sẽ hiệu chỉnh, bổ sung tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn!
Thay mặt Nhóm Tác giả
TS. Trương Đức Nga