Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 1.4.1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ theo học trường Sơ học Bến Tre, Trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. Vào khoảng năm 1931 ở Sa Đéc, cư sĩ thường hay đến tham vấn cầu học với HT.Hành Trụ. Cảm phục đức độ và trí tuệ của vị danh tăng, cư sĩ Mai Thọ Truyền xin thọ Tam quy, Ngũ giới, được HT đặt cho pháp danh là Chánh Trí. Sau khi thọ giới, bác Chánh Trí bắt đầu ăn chay trường và đem hết nhiệt thành để phụng sự Chánh pháp. Nhờ tinh thần tinh tấn tu học và không ngừng trau giồi kiến thức, cư sĩ Chánh Trí đã tạo cho mình vốn hiểu biết giáo lý Phật đà sâu rộng và vốn kiến thức cao về triết học Đông – Tây. Nhằm góp phần xây dựng Phật giáo vững mạnh, cư sĩ đã kết hợp với một số đạo hữu trí thức có đạo tâm thành lập Hội Phật học Nam Việt (PHNV).
Với cương vị Hội trưởng, cư sĩ Chánh Trí rất quan tâm đến việc kiến tạo cho Hội PHNV một ngôi Tam bảo khang trang để làm nơi thờ tự và đặt văn phòng trung ương của Hội. Đích thân cư sĩ lo liệu mọi thủ tục như xin phép xây dựng, xin phép tổ chức lạc quyên tạo nguồn kinh phí. Sau lễ động thổ khai móng 19 tháng, Hội làm lễ lạc thành rất long trọng vào các ngày 14, 15, 16 tháng Ba năm Mậu Tuất (nhằm ngày 2 đến ngày 4-5-1958) và được HT.Khánh Anh (Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng thời là chứng minh Đại đạo sư của Hội PHNV) đặt tên chùa Phật học Xá Lợi. Chùa được xây cất trên khoảnh đất rộng 2.500m2, đặc biệt tháp chuông của chùa Xá Lợi với một tỷ lệ cân xứng và những mái cong thanh nhã đã trở thành một biểu tượng đẹp tại TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài những Phật sự nói trên, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Với học lực uyên thâm và sự thông hiểu sâu sắc giáo lý ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học như sau:
·Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ – Hà Nội ấn hành năm 1950).
·Ý nghĩa Niết Bàn (1962).
·Một đời sống vị tha (1962).
·Tâm kinh Việt giải (1962).
·Le Bouddhisme au Viet Nam (1962)
·Pháp Hoa huyền nghĩa (1964)
·Địa Tạng mật nghĩa (1965) (Do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành).
Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm.
Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật Học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.