Dịch Trang Tử là một công việc không phải dễ. Là vì muốn dịch được Trang Tử ít ra phải có ba điều kiện sau đây: phải thâm Hán tự (nhất là về cổ ngữ); phải nắm được yếu chỉ của cái học Lão Trang; và, phải biết đọc Trang ngoài văn tự.
Như vậy, quyết chắc chưa có một ai dám tin tưởng rằng mình đã có đủ điều kiện để dịch Trang Tử. Nhất là với cái trình độ Hán học do công phu tự học của dịch giả, thì làm gì đảm nhiệm cái việc làm mà chỉ riêng có những bậc tinh thâm Hán học, hay khoa bảng xuất thần mới làm nổi mà thôi!
Nhưng, với lòng hiếu học, dịch giả đã tạm giải quyết được mọi trở ngại. Dịch Trang Tử, chẳng qua là một phương pháp tự học của dịch giả từ thuở nhỏ. Phàm đọc sách về Kinh, Truyện, hễ gặp đoạn nào hay mà khúc mắc, thường hay đem mà phiên dịch ra quốc văn. Là để tự bắt buộc phải đọc cho thật kỹ và thấu đáo, không cho sót một chữ nào mà ta còn hiểu mập mờ, chưa lột được tinh thần của nó. Những khi gặp trở ngại lớn lao, thì lại được cùng các bậc thâm nho bàn góp và gỡ rối, nhất là, được đấng từ thân chỉ dạy tận tường. Như thế, lâu ngày bản dịch thành hình.
Cũng như bản dịch Lão Tử Đạo Đức Kinh, bản dịch nầy cũng khởi thảo cùng một lúc vào khoảng 1935 và đã được đăng tải trong báo Nay khoảng 1937.
Hôm nay, đem cho xuất bản cũng không ngoài mục đích cầu học, chân thành mong được các bậc cao minh Đạo học chỉ dạy thêm cho những chỗ sai lầm và thiếu sót mà dĩ nhiên không làm sao tránh khỏi.
Cái khó nhất, trong khi dịch Trang Tử, là thường gặp những danh từ thuộc về cổ ngữ mà chỉ có Trang Tử riêng dùng với một ý nghĩa đặc biệt theo ông. Trong khi phiên âm cũng như trong khi nghiên cứu về các danh từ của Trang Tử, dịch giả đã dựa vào công phu nghiên cứu rất danh tiếng của Chu Quế Diệu 朱 桂 曜 trong Trang Tử Nội Thiên Chứng Bổ 莊 子 内 篇 証 補, còn chánh văn thì căn cứ vào bản của Hướng Tú 向 秀, và Quách Tượng 郭 象, tức là bản cổ nhất hiện thời còn sót lại.
Thời Ngụy Tấn cái học về Đạo gia rất là thịnh hành. Ở thời kỳ nầy, chú thích Trang Tử của Hướng Tú và Quách Tượng thật có một giá trị vô cùng quan trọng và đặc sắc. Lời chú thích của hai nhà chẳng những làm sáng tỏ tư tưởng trong sách Trang Tử, lại còn gợi cho ta thêm nhiều ý kiến mới lạ khác, làm giàu thêm cho Trang học không nhỏ.
Thời xưa, các ông đã làm nổi lên được phong trào Huyền học, và cho đến nay chưa có một học giả nào vượt qua nổi cái học và cái tài chú giải của hai ông.
Bản dịch nầy một phần căn cứ vào những chú giải của hai ông, nhưng có nhiều chỗ mà dịch giả không hẳn đồng ý và có khi chống đối là khác. Dĩ nhiên những khi chống đối đều có giải thích rõ ràng lập trường của mình.
Bản dịch sẽ chia làm hai phần: Phần nhất gồm cả thảy là 6 thiên ở Nội thiên (Tiêu Diêu Du, Tề Vật Luận, Dưỡng Sinh Chủ, Đức Sung Phù, Đại Tông Sư và Ứng Đế Vương). Đó là phần chánh của cái học Trang Tử.
Phần hai, gồm cả Ngoại và Tạp thiên, cả thảy là 26 thiên (và luôn thiên Nhơn Gian Thế mà dịch giả loại nó ra vì cho là ngụy thơ, nghĩa là không phải chính tay Trang Tử viết ra). Trong 26 thiên Ngoại và Tạp thiên, dịch giả cũng sẽ chỉ trích ra những chương hay nhất có thể tiêu biểu cho cái học của Trang Tử mà loại bỏ tất cả những chương xét ra quá thiển bạc và làm sai lạc chủ chỉ của Trang Tử đã biểu diễn ở 6 thiên đầu của Nội thiên. Và như thế là tránh cho Nam Hoa Kinh những mâu thuẫn và xuyên tạc của nhiều đoạn văn quá sức vụng về và nông nổi mà không hiểu sao các học giả như Quách Tượng lại tiếc gì không vứt đi trong khi san định, di ngộ cho người đời sau không phải ít?
Dịch giả không bao giờ dám có cao vọng là đã nắm được mọi yếu chỉ của cái học Trang Tử, và bản dịch này cũng chỉ là một bản dịch theo trình độ hiểu biết hiện thời của dịch giả mà thôi.”Dịch, là phản”, đó là việc hiển nhiên, không làm sao tránh khỏi đối với những tác phẩm về tư tưởng, nhất là những tác phẩm cổ điển mà tư tưởng cô đọng trong một lối hành văn vừa hàm súc, vừa kỳ ảo như văn của Trang Châu. Vì vậy, để cho độc giả thưởng thức được cái thú “uống nước tận nguồn”, dịch giả tự xem như có phận sự là cho đăng lại chánh văn, và phiên âm, để giúp các bạn có cơ hội kiểm soát và đồng thời thoát khỏi bản dịch mà trở về với nguồn gốc của nó là câu văn huyễn tướng của Trang Châu, mà chắc chắn không có một bản dịch nào lột được tất cả tinh thần của nó.
Về phần chú giải, thì dịch giả chỉ nhắm vào hạng độc giả có một trình độ Hán học khá cao, nhưng kém thời giờ nghiên cứu. Vì vậy, sẽ không rườm rà tỉ mỉ như ở các sách giáo khoa, và cũng là để cho bớt sự nặng nề không khí của nhà trường. Quan hệ là ở chỗ bình giải để độc giả nhận thấy rõ ràng trình độ hiểu biết của dịch giả trong khi phiên dịch và giải thích.
Lại còn thêm việc dịch âm, là vì cổ ngữ có nhiều giọng đọc mà ngày nay không giống với giọng đọc ngày xưa, tưởng cũng sẽ đỡ nhiều cho các bạn trẻ thiếu điều kiện để tra cứu.
22. 9. 1962