Sơn Nam xưa là cụm từ chỉ vùng đất phía Nam núi Nghĩa Lĩnh, nơi phát tích ra triều đại Hùng Vương, thủ đô nước Văn Lang (nay là khu vực Phong Châu đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782 – 1840), do Viện Sử học biên dịch Nhà xuất bản Sử học xuất bản năm 1960 thì Sơn Nam được ghi ở trang 71 như sau:
“Đời cổ thuộc nước Lạc Long. Đời Tần thuộc về quận Nam Hải, Hán đặt là quận Giao Chỉ, Tuỳ theo như thế. Đường đổi là Giao Châu. Nhà Đinh Lê hoặc đặt là đạo, hoặc đặt là lộ là phủ. Những nơi gọi là Đỗ Động, Đường Lâm , Phù Liệt, Đằng Châu đều là đất Sơn Nam cả. Triều nhà Lý đổi gọi là các lộ, nhà Trần là những lộ Thiên Trường, Kiến Xương, ứng Thiên, Lý Nhân, Tân Hưng, Khoái Phủ, Trường An, Long Hưng, Đại Hoàng, An Tiêm. Triều nhà Lê cũng theo thế. Trong năm Quang Thuận (1406) đặt là thừa tuyên Thiên Trường thống trị các phủ huyện. Đến khi định bản đồ, mới đổi là thừa tuyên Sơn Nam có 9 phủ 36 huyện.
Trấn Sơn Nam phía tây theo ven núi, phía đông gần biển lớn. Kinh Bắc, Hải Dương ở về phía Bắc, Thanh Hóa ở về phía Nam. Địa thế trấn này rộng xa, người nhiều, cảnh tốt là bậc nhất ở trong 4 Thừa Tuyên. Hai đạo thượng, hạ (1), phong vật khác nhau đạo thượng lịch sự hơn nhưng có vẻ đơn bạc, đạo hạ thì quê kệch nhưng có phần thực thà. Văn vật thì thượng lộ thịnh hơn, của cải thì hạ lộ nhiều hơn. Tóm lại đều là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là Văn Nhã, thực là cái bình phong, phên chắn của Trung Đô (2) và là kho tàng của nhà Vua.”