Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Nguyên Mông xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua, vài năm sau trở thành một nhà sư và đã để lại một di sản Thiền tông mà đến bây giờ vẫn còn phát triển, trở thành dòng Thiền lớn nhất tại Việt Nam. Ngài tên là Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của Nhà Trần và là vị sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm, chó hỏi thiền.)
(Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông)
* * * * *
Sau Đức Phật, không lời nào nên nói nữa, bởi vì pháp thoại của ngài vẫn còn đang âm vang. Do vậy, các tổ sư Thiền tông chỉ nói bằng lời vô ngôn, và làm nhiều động tác để hiển thị ý nghĩa lời Phật.
Nhìn thấy đóa hoa trên tay Phật, chư tổ đã phóng vào vòng, nhảy múa nơi bốn hướng, cười vang đồng điệu, và cùng chỉ tay về đóa hoa. Nếu chúng ta không có thể nghe rõ lời Phật hay thấy rõ đóa hoa đang đưa cao, chúng ta nên cẩn trọng quan sát điệu pháp vũ chư tổ đang vui hưởng để tìm lối nhập môn. Đặc biệt, hãy nhìn vào ngài Trần Nhân Tông.
Màn trình diễn đẹp tuyệt; tuy nhiên, thực sự có một lối đi tới giải thoát? Chúng ta thấy chư tổ đi bộ, chạy, nhảy, múa và phóng người vào quá nhiều lối khác nhau quanh đóa hoa. Do vậy, khi chúng ta thấy mê lộ của các dấu chân do chư tổ để lại, ta nên nói rằng thực sự đó có phải là lối đi không lối đi?
(Nguyên Giác)