Sau khi đã nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt Nam chúng tôi nhận thấy muốn tìm hiểu Việt Nam bất cứ về phương diện nào: văn hóa, chính trị, định chế, nghệ thuật… mà bỏ qua Nho giáo thì mới là tìm được có cái ngọn vì Nho giáo chứa đựng những hằng số của văn minh nước ta. Sở dĩ nhiều người không nhận ra điều đó vì về sau chúng được thâu hóa vào trong Nho giáo rồi người ta tưởng rằng đó là của riêng Tàu. Kỳ thực là của chung cả hai nước, vì ở khởi thuỷ cả Tàu lẫn Việt đều có những yếu tố giống nhau: như tục lễ hội mùa xuân hay cúng giỗ ông bà, ruộng công…
Nhưng về sau Tàu trải qua nhiều đợt lột xác: một vào đời Chu, một đời Tần, rồi Hán nên thâu nạp những yếu tố du mục vào khiến cho Nho giáo sơ khởi mang thêm một bộ mặt mới mà tôi gọi là Hán Nho.
Vì Việt còn trung thành với những yếu tố ban sơ hơn bên Tàu, nên còn duy trì được Nho giáo cách tinh tuý hơn, nhưng vì không đủ thế lực nắm giữ guồng máy văn học nên chỉ còn giữ được trong vô thức. Vì vô thức nên các cụ xưa chưa phân biệt ra hai thứ Nho, mà chỉ ký tụng toàn khối. Thế hệ vừa rồi lại chỉ nhìn thấy có bộ diện du mục nên ruồng rẫy Nho cũng luôn toàn bộ. Đấy là một việc làm có hại rất sâu xa đối với nền văn hóa nước nhà: vì thiếu Nho nên không dễ gì nhìn ra những nét đặc trưng của dân tộc, càng không thể thiết lập nổi một chủ đạo là điều hệ trọng cho vận nước.
Vì thế muốn đóng góp vào việc kiến thiết văn hóa nước nhà thì phải chú ý tới Nho. Muốn hiểu Nho thấu triệt mà chỉ đọc có Tứ Thư như phần lớn thế hệ trước quen làm thì chưa đủ. Muốn lên tận nguồn thì phải đọc thêm ngũ Kinh, nhưng đó là điều khó không những vì là bộ sách lớn, viết bằng chữ Nho, mà còn vì sự xuyên tạc và pha trộn, nếu không nắm được nét nhất quán của toàn bộ thì sẽ rất dễ như lạc vào rừng già không lối thoát.
Quyển này nhằm đặt nổi cái nét nhất quán nói trên và theo chúng tôi thì đó là nhân-chủ-tính, chính nó mới là cội gốc cho nền dân chủ chân thực, tức là một cuộc giải phóng con người khỏi mọi kìm kẹp cả thân lẫn tâm. Cái nét nhất quán đó chúng tôi kêu là ngũ điển tức là phần tinh tuý của Việt Nho còn truyền lại được xuyên qua ngũ Kinh nhưng vì nằm ẩn nên cần một lần lôi lên mặt ý thức để dễ nhận diện, và sẽ dùng nó làm ngọn đèn chiếu rọi vào các góc tối của toàn bộ Nho giáo.