Nói về Đạo học Trung Hoa là nói đến cái học của Tam Huyền : Dịch, Lão và Trang. Sự liên lạc giữa ba cái học ấy thật là chặt chẽ, mà Dịch là đầu não : “Dịch quán quần kinh chi thủ”
Lão học và Dịch học như một biểu một lý, cho nên ngày xưa Vương Bật đã dùng Dịch giải Lão, dùng Lão giải Dịch một cách hết sức đắc lực. Nói đến Dịch và Lão không thể nào không nói đến công dụng của nó trong cái đạo dưỡng sinh mà Y đạo là căn bản. Bởi vậy ngày xưa người ta gọi Lão học là cái học của Hoàng Lão. Hoàng là Hoàng đế Nội kinh, sách căn bản của Y đạo Trung Hoa. Bởi vậy mới có câu : “Y đạo thông Tiên đạo”, người xưa không một ai học Dịch, học Lão mà không học Y. … Dịch là “thể” mà Lão và Y là “dụng”. Cho nên, bàn đến Đạo học mà bỏ qua đạo dưỡng sinh là thiếu sót.
…
Lại nữa, nói đến Đạo học Đông phương không thể không nói đến Thiền học Trung Hoa, vì nó là tinh hoa của Phật giáo Đại thừa và Trang Lão.
…
Nói đến xưa, cũng không thể không bàn đến nay. Nói đến Trang Tử ngày xưa cũng không thể bỏ sót Trang Tử ngày nay. Tôi muốn nói đến J. Krishnamurti. Với Krishnamurti, một cái học nhất nguyên của Đông phương đã bắt đầu phục sinh trong lòng Âu Mỹ, sau một thời bác loạn chưa từng thấy có trong lịch sử loài người.
…
Nhơn loại sắp đi vào một cuộc phục sinh chưa từng thấy có từ xưa đến nay, mà có lẽ Tây phương sau nầy sẽ cầm đầu phong trào phục hưng nầy.
…
Cho nên, con người “mới” có được phục sinh hay không, con người “cũ” phải chết đi. Con người “cũ” nói đây, là con người nhị nguyên, con người kết tinh của quá khứ, con người của sách vở, của xã hội, của nhơn-vi tạo thành, con người của truyền thống lâu đời không biến cải…
…
Quyển sách nầy đề cập đến ”con người mới” ấy, và bạn đọc, nếu thấy còn bỡ ngỡ khi mới vào ngưỡng cửa Đạo học Đông phương, nên đọc thêm những quyển Nhập môn Triết học Đông phương, Trang Tử Tinh hoa, Lão Tử Tinh hoa, Phật học Tinh hoa, vì đây là phần tinh hoa của những bộ sách tinh hoa kia.
NGUYỄN DUY CẦN