Hegel, với bạn đọc triết học Việt Nam, là một tên tuổi hết sức quen thuộc, không phải vì toàn bộ hệ thống quan điểm và các tác phẩm của ông đã thật sự được biết đến tường tận, mà vì vai trò của phép biện chứng mang tên ông trong tiến trình hình thành triết học macxít. Sự quen thuộc đó đến độ, với ông, dường như không cần gì phải tìm hiểu hơn nữa ngoài các “kết luận” đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, đây lại là một nhân vật có nhiều thăng trầm trong việc đánh giá vị trí học thuật trong lịch sử triết học, ngay ở thế kỷ XX đầy những biến động, chứ không phải chỉ khuôn vào thời đại của ông. Đây chính là một tình tiết rất lớn mà bấy lâu nay chúng ta ít hoặc không được biết đến. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay có nội dung thuộc phạm vi như thế, ở một vấn đề mà càng xa lạ hơn cả “thân phận” thăng trầm của Hegel: thông diễn học.
“Hermeneutics” hiện thường được dịch là “chú giải học”. Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận. Sự thông đạt này có tầm mức lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ là thông dịch hay thông truyền theo hướng tương tác một chiều đến người đọc, hay nói chung là đến đối tượng của một bản văn, theo đó, đây chỉ là loại đối tượng tiếp thu và tiếp nhận thụ động. Tương tác thông đạt nói lên tương tác hai chiều, giữa chủ thể đem đến sự thông truyền, với khách thể tiếp nhận điều đó, để đi đến thông hiểu (và hiểu thông). Ngược lại, khách thể tiếp nhận không phải là một đối tượng “trắng” nó cũng là một chủ thể có quan điểm, có lý luận, và cũng thông truyền lại cho chủ thể đã thông truyền với nó về cùng vấn đề hay khác vấn đề.
Điều này vượt rất xa cái được “áp” lên đối tượng từ một bản văn, một chủ thuyết, một tôn giáo. Trong sự thông đạt mới, mọi thể thông truyền, nhận thức, đều bình đẳng với nhau, đến cùng là chủ thể và khách thể, đều có cái mà đối tượng kia cần hay có thể tiếp nhận. Trong lý luận, xét vi mô, đó là một tinh thần học hỏi, tiếp nhận, dung hòa, nhưng xuất phát từ cách nhìn phê phán (mà không phải là “bất động” khi được áp lên) giữa những người làm công việc lý luận. Xét vĩ mô, đó là sự chấp nhận lẫn nhau, cũng xuất phát trước tiên từ cách nhìn phê phán như vậy, trong những bối cảnh nhất định, theo tiến trình cụ thể của sự phát triển lý luận, giữa các chủ thuyết và giữa các lực lượng (thành phần xã hội, nhóm chính trị, quốc gia…) vận dụng chúng. Tóm lại, thông đạt và (tái) diễn dịch liên tục, chính là sự đối thoại, chấp nhận đối thoại, dung chứa (lý luận của) lẫn nhau với tư cách những mảng, những phía, những độ sâu, độ nét khác nhau của một bối cảnh tông thể lớn hơn về lý luận, vấn đề, không – thời gian, đó cũng chính là một mặt của tiến trình phát triển tư duy lý luận riêng và hiên thực xã hội nói chung.
Trên nền như vậy, cuốn sách này đi vào phân tích hình thức lý luận thông diễn trong các tác phẩm của Hegel.
Phải thừa nhận rằng đây là một cuốn sách không dễ đọc, đôi khi khó hiểu, không chỉ vì những nội dung mới mẻ và độ chuyên sâu của nó, một phần vì dẫn dắt của tác giả, mà còn vì thời gian qua chúng ta không gắn kết với sinh hoạt học thuật triết học thế giới, vì sự nghiên cứu thiếu chuyên sâu nhiều phạm vi triết học ngoài Alfarxist, trong đó có Hegel nói riêng và triết học cổ điển Đức, triết học thông diễn nói chung. Ngoài phê phán lý lính thuần túy của Kant được xuất bản gân đây, hay Mỹ học của Hegel công bố vài năm trước các tác phẩm khác của hai triết gia vĩ đại này (và các triết gia Đức có liên quan nói chung) hiện chưa có bản tiếng Việt. Đây không chỉ là khó khăn rất lớn cho người đọc mà cho ca người dịch (và người dịch mong nhận được sự tha thứ trước những sai sót không tránh khỏi xuất phát từ khó khăn này, cũng như từ khả năng khiêm tốn của bản thân người dịch).
Tuy nhiên, kiên nhẫn theo dõi, người đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin triết học hữu ích, như cuộc cách mạng Copermcus trong triết học, sơ lược tiến trình phát triển thông diễn học, Fichte và Shelling, bộ khung nội dung ở các tác phẩm cửa Hegel (thông qua sự phân tích của tác giả dưới khía cạnh thông diễn…
Dẫn dắt người đọc từ chuyện “điểm nhìn” địa lý cụ thể của người quan sát trên trái đất về hướng bầu trời, sinh ra chuyện “địa tâm” và “nhật tâm”, sang chuyện xác thực cảm tính từ những cái nhìn như vậy, rồi đến với sự chủ quan chủ thể tính trong trong nhận thức, để cuối cùng là chuyện nhìn nhận lẫn nhau giữa các cách nhìn lý luận xuất phát từ những chủ thể có điểm nhìn – các quan điểm, khác nhau và đa dạng. Từ đây lại là khởi đầu để tác giả đi sâu vào các hình thức nhìn nhận lẫn nhau giữa các chủ thể trong bối cảnh quan hệ “tinh thần” và “logic” và trong xã hội công dân, được thể hiện trong các tác phẩm của Hegel.
Vượt qua cái khó trong khi đọc cuốn sách, theo người dịch, có lẽ hai “thông điệp” quan trọng sẽ đọng lại. Một là, tinh thần thông diễn, như sự đối thoại giữa các chủ thể đứng trên những điểm nhìn khác nhau, là cái thúc đẩy phát triển đối với triết học nói riêng và tri thức nói chung, chứ không phải là sự độc thoại hay độc thoại tập thể. Hai là, tinh thần khám phá, tìm tòi triết học trên tinh thần tư duy độc lập, không phụ thuộc vào cái “áp sẵn” của các thế hệ đi trước hay những người đương đại xung quanh, là cái sẽ góp phần lớn trong việc “làm mới” một hệ thống triết học trong bối cảnh thời đại mới. Ở đây, Hegel, tưởng chừng như đã hoàn toàn “ổn định” theo năm tháng, là một minh họa hết sức rõ rệt cho điều đó.
TS. Lê Tuấn Huy