Phần Thế gia gồm ba mươi thiên, đánh số từ 31 đến 60 chép truyện các vương hầu, tướng quốc, tướng soái:
• Ngô Thái Bá
• Tề Thái Công
• Lỗ Chu Công
• Yên Triệu Công
• Quản (Thúc Tiên), Thái (Thúc Độ)
• Trần, Kỷ
• Vệ Khang Thúc
• Tống Vi Tử
• Tấn
• Sở
• Việt Vương Câu Tiễn
• Trịnh
• Triệu
• Nguỵ
• Hàn
• Điền Kính Trọng Hoàn
• Khổng Tử
• Trần Thiệp
• Ngoại Thích
• Sở Nguyên Vương
• Kinh, Yên
• Tề Điệu Huệ Vương
• Tiêu Tướng quốc
• Tào Tướng quốc
• Lưu hầu
• Trần Thừa tướng
• Giáng hầu
• Lương Hiếu Vương
• Ngũ tôn (năm gia đình lớn)
• Tam Vương (Tề Vương, Yên Vương, Quảng Lăng Vương)
Hình thức này không khác phần Bản kỷ bao nhiêu.
Về mỗi “Thế gia”, tác giả chép kỹ đời ông tổ sáng nghiệp – họ có công lao nào, những tài đức nào… – rồi qua các đời sau, chép sơ lược đi, nếu kẻ nối nghiệp không có gì đặc sắc. Ta nhận thấy hầu hết các thế gia khi bắt đầu thịnh thì có những người tài giỏi, rồi lần lần suy vi, cho tới khi mất nghiệp thì do một kẻ hậu duệ truỵ lạc hoặc nhu nhược. Thỉnh thoảng mới gặp một thế gia trung hưng được. Cơ hồ như Tư Mã Thiên muốn nhấn mạnh vào điểm đó để cho ta thấy cái luật đầy rồi vơi, tròn rồi khuyết trong kinh Dịch. Có nhiều thế gia, ông chỉ chép đời ông tổ và đời cuối cùng, khi bị diệt.