Giá trị hiếm hoi giữa truyền thông hỗn độn
Những năm gần đây tại Việt Nam, cùng với sự nở rộ của truyền thông, cả về số lượng báo chí, kênh truyền hình lẫn sự trỗi dậy của truyền thông xã hội, tin tức về “người nổi tiếng” trở thành món ăn tinh thần “không thể thiếu” của người Việt. Người ta không chỉ bàn luận, săm soi về các “Ngôi sao”, mà nhiều người còn mơ ước trở thành “Sao”, xem đó là hình mẫu sống.
Với truyền thông, khai thác đủ góc cạnh về “Sao” – dù chỉ là cấp độ “Sao” xẹt, nổi tiếng trong “15 phút” – đủ quan trọng để tăng hit và có thu nhập quảng cáo. Thậm chí với không ít trang mạng, showbiz là cứu cánh duy trì sự tồn tại của họ.
Còn với những người được xem là “Sao”, đa số, nếu không phải ngay từ đầu, thì cũng dần quen với vị trí của mình để có những phát ngôn, hình ảnh đáp ứng mong đợi của truyền thông và công chúng. Mong đợi không chỉ đơn giản có nghĩa là sống sạch, sống đẹp, dù đó vẫn còn là tiêu chuẩn được nhiều người hướng tới. Nhưng truyền thông và không ít khán giả còn mong đợi cả những chiêu trò từ “Sao”, như nay yêu nhau, mai (giả vờ) bỏ nhau. “Lộ hàng” trở thành một trong những từ thường gặp nhất trên các trang mạng, mặc dù nhiều khi gần như bất khả để biết sự luống cuống, hớ hênh của sao khi “lộ hàng” là thật hay giả. Những tâm sự của ca sĩ, diễn viên, nay thế này, mai thế khác, đã là điều bình thường.
Những cuộc phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ, nay tuyển chọn lại trong quyển sách bạn cầm trên tay, là điều hiếm hoi giữa bối cảnh thật giả lẫn lộn như thế trên truyền thông.
Là một nhà báo mang tâm hồn nghệ sĩ, Vũ tạo được một mạng lưới quan hệ rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí Việt. Một số nhà báo cũng có quan hệ rộng không kém, nhưng khi phỏng vấn người của công chúng lại có sự ngần ngại – có thể vì e làm “gãy cầu”. Lại có những ngườikhông sợ “gãy cầu”, sẵn sàng truy đến cùng người đối diện nhưng không hẳn vì muốn buộc người ấy nói thật mà vì muốn chính mình trở nên nổi tiếng.
Vũ không rơi vào hai thái cực như thế. Anh đặt những câu hỏi sắc sảo, đôi khi phê phán, và luôn xoáy thẳng vào những góc khuất của người mình gặp. Đây không phải là những cuộc trò chuyện mang tính chất PR cho cả người hỏi và trả lời – một hiện tượng đã khá phổ biến hiện nay. Nhưng đồng thời, những câu hỏi của Vũ, cách anh khai thác câu chuyện, đều có tình, thể hiện sự cảm thông với người đang chia sẻ với thế giới bên ngoài nỗi buồn, thậm chí bất hạnh của họ. Kết quả là người đọc cảm nhận những ngôi sao tươi sáng trong “hào quang” ấy đều có “thân phận” mỏng manh giữa chốn nhân gian. Người đọc nhận ra những người nổi tiếng ấy cũng đều có những thói tật như ai, nhưng chúng ta nhận ra điều đó trong sự cảm thông, chia sẻ. Hé lộ sự thật về cuộc đời những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng nhưng vẫn cho người đọc sự thương cảm, tôn trọng. Đây là thử thách lớn cho nhà báo, nhưng Hoàng Nguyên Vũ đã làm được như vậy.
Cuộc trò chuyện với ca sĩ Phương Thanh là một ví dụ. Chị từng là một trong những ca sĩ đắt show hàng đầu Việt Nam, đến mức “tiền vào quá nhiều và tôi từ chối tiền cũng nhiều”, như chị nói với Vũ. Rồi đến một ngày không còn ở đỉnh cao, chị nhận ra mình “đốt hết tiền”, một em trai đi cai nghiện, tình yêu dường như dang dở. Thực sự, đoạn đời như thế khá phổ biến với nhiều nghệ sĩ, cả ở Việt Nam và trên thế giới. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng muốn nói ra với công chúng, và nếu nói cũng giữ ý. Vũ thuyết phục được Phương Thanh chia sẻ nhiều, và nói ra những câu khó quên: “Bao tiền kiếm được trong những năm ấy, đến giờ tôi chẳng giữ được”, hay “Những người yêu cũ và tôi giờ vẫn còn buồn khi không thể tới với nhau được”. Có sự day dứt, ngậm ngùi và cả le lói lạc quan của người ca sĩ. Nếu Phương Thanh không viết hồi ký, thì đây vẫn là một trong số ít cuộc trò chuyện báo chí tóm tắt cân bằng về một phần đời của chị.
Hai cuộc phỏng vấn – với ca sĩ Trần Thu Hà, và cô giáo Trần Thị Minh Huệ, từng một thời gian là mẹ kế của Hà – là điểm nhấn khác trong tập sách. Có nhiều chi tiết để nhớ, nhưng hiện lên rõ nhất qua hai bài là hình ảnh người đàn ông, ca sĩ Trần Hiếu (bố của Trần Thu Hà, và có thời gian là chồng nhà giáo Minh Huệ). Xét theo thói thường, hai người phụ nữ này sẽ chẳng muốn nói về những sóng gió, cay đắng trong gia đình họ. Nhưng hai người, thông qua Vũ, đã nói ra, có lẽ đã nói gần hết, về “những chông chênh của đời sống” (lời Trần Thu Hà). Người nói đặt sự tin tưởng vào người hỏi, còn người hỏi, vừa nhẹ nhàng vừa sắc sảo, dẫn người đọc chứng kiến hào quang và cảm giác đôi khi bi phẫn trong một gia đình âm nhạc hàng đầu Việt Nam.
Vũ tiếp cận được với nhiều người và có những bài phỏng vấn giá trị, có lẽ một phần vì anh tin những người mình nói chuyện, về căn bản, đều đáng trọng. Mục đích của anh không phải là bóc mẽ sự giả tạo của người đối diện, mà muốn để họ tự khắc họa đời mình đã trải qua hào quang nhung lụa và cả những “sóng gió đau khổ” (lời Hoa hậu Hà Kiều Anh) để thấy “không có gì bền bỉ, tất cả đều là vô thường” (lời Nghệ sĩ Kim Cương).
Những người nổi tiếng luôn giằng xé giữa hai cái tôi: một cái tôi riêng tư và cái tôi hiện ra trước công chúng. Ngôi sao Hollywood Cary Grant từng nói, giống như người hâm mộ, ông cũng muốn mình “giống như Cary Grant”. Những bài phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ cho thấy đằng sau hào quang nghệ sĩ là những thân phận đôi khi cũng bé nhỏ, cơ cực giữa trần gian. Và hẳn tôi không phải là độc giả duy nhất muốn cảm ơn anh đã giúp hiểu đúng hơn những góc khuất sau ánh hào quang.