Thời gian qua nhanh chóng, không trách người ta ví như tên bay, như gió thoảng.
Không ai nhìn thấy nó vun vút trước mắt mình nhưng những biến chuyển chất đống của thời gian để lại thì hễ mở mắt là thấy. Những ghi tích của thời gian biến chuyển ấy đã từng làm xúc động bao nhiêu người còn mang nặng u-uẩn trong lòng.
Cũng như :
Bãi-Sậy xưa đã có một thời lịch-sử, nay tuy không còn một vết tích nhưng cái danh Bãi-Sậy bí-hiểm, sào-huyệt của nghĩa-binh thì dẫu cho đến nghìn năm cũng vẫn còn trong lòng người.
Trước thời ấy, đất Bãi-Sậy đều là những làng mạc tuy người ở thưa thớt nhưng có một hòa-khí dưới mái nhà tranh. Một trận thủy-lạo hung hãn đã gieo sự biến đổi tang thương, san phẳng cả một vùng, phá tan cuộc sống đầm ấm của dân lành, đắp phù-sa vào để cho lau-sậy tự do thi nhau mọc lên thành rừng rậm âm-u.
Sau thời ấy, Bãi-Sậy lại không còn một cây sậy nữa ! Ngọn lửa thời gian đã âm ỷ cháy liên tiếp bao ngày và sau cùng Bãi-Sậy chỉ là một đống tro tàn phơi mình đầy thương-tích dưới mưa nắng gió sương.
Rồi người nông-phu của huyện Mỹ-Hào với nét mặt đen lánh, biểu-lộ một đức tính kiên nhẫn, lại thường xuyên-cuốc xới để biến hình Bãi Sậy dần dần thành những đồng ruộng bát ngát, phì nhiêu.
Bãi-Sậy thay hình đổi dạng.
Và lòng người ta cũng không phải là bất-di-bất-dịch.
Cũng vì những biến chuyển do thời gian đã tàn ác gieo vào lòng người mà ông Tham-tán Nguyễn-thiện-thuật phải thất bại.
Vạn vật biến đổi thế nhưng dòng máu ái-quốc của họ Nguyễn không hề phai nhạt.
Bao năm ròng, ẩn náu ở trong các gia-đình những bậc nghĩa-khí, cậu cả Tuyển, con giai lớn ông Nguyễn-thiện-Thuật đã tránh thoát được con mắt dòm dõi nguy-hiểm của thời gian.
Nghĩ đến cha chú, tới gia-đình tan tác, nghĩ tới sự-nghiệp của các Người nơi Bãi-Sậy khi xưa, nay chỉ còn là vang bóng một thời, lòng tuổi trẻ thấy căm gan tím ruột và không lúc nào bầu nhiệt-huyết không sôi lên trước thù nhà nợ nước.
Chí đã quyết, lòng nặng tình cha chú, cậu Tuyển ra đi ; hết năm này sang năm khác vẫn tuyệt vô âm tín !
Bỗng tiếng súng khởi-nghĩa Thái-Nguyên bùng nổ, làm chấn động trong toàn quốc.
Cậu Cả Tuyển ngang nhiên cùng các nghĩa-binh tiến ra trường chiến đấu và khi tiếng súng ngừng nổ thì cậu hai tay vướng trong vòng xích sắt.
Rồi một hôm, ở ngay trên đất tổng Bạch-Xam, nơi quê hương, cậu Cả Tuyển thản nhiên nhận lấy những nhát chém rùng-rợn của mấy tên đao phủ lạnh lùng !
Nơi suối vàng gặp các bậc Tiền-bối, hẳn người cháu, con tiết-tháo ấy cũng không phải tủi hờn…
1951