Những buổi chiều tà, khách nhàn du đứng trên « Cầu xe lửa » Tân An phóng tầm con mắt về phía hợp lưu hai con sông Vàm cỏ tây với Bảo định hà, thấy những tòa lầu, nhà trệt, ẩn hiện dưới lùm cây xanh soi bóng trên dòng nước bạc.
Đó là châu thành Tân An, một tỉnh lỵ nho nhỏ, xinh xinh, với dân cư thuần hậu, gợi trong lòng du tử vì sanh kế mà phải lìa quê xiết bao kỷ niệm êm đềm.
Hai chữ « Tân An », sau khi tồn tại suốt mấy trăm năm trong lịch sử, cách nay chẳng bao lâu, năm 1956, bị Ngô triều cao hứng xóa bỏ trong bảng đồ miền Nam đất Việt và thay vào hai chữ Long An.
Tân An ! Mặc dầu Tân An không còn hiện diện trên công văn giấy tờ nữa, song không bao giờ phai lạt trong tâm tư những người chân thật tự xưng mình là « người Tân An » !
Người thường nói : « Vô cổ bất thành kim » (không có xưa sao có nay), hiện tại tuy quan trọng mà quá khứ cũng chẳng nên khinh, huống chi khắp năm Châu biết bao nhiêu là sách sử ghi chép những tích cũ truyện xưa từ mấy ngàn năm về trước, và chính hiện nay, nhiều nhà khảo cổ nhọc trí khổ tâm cố công phơi ra ánh sáng những thành phố xa xưa đã bị thời gian vùi lấp.
Như thế ấy, lẽ nào chúng tôi, con dân sanh trưởng ở Tân An, đành làm ngơ chẳng góp một viên gạch mặc dầu nhỏ nhoi vào công trình soạn thảo một « Tân An địa phương chí » đầy đủ sau nầy.
Vả lại, với mục đích hoài bảo hai chữ Tân An thân mến, hôm nay chúng tôi mạo muội thảo năm ba trương về tỉnh Tân An năm mươi năm về trước và xa hơn nữa, cho đến cận đại thời cuộc 1945.
Tân An, một tỉnh kỳ cựu lịch sử di tích dồi dào, nhân vật cũng nổi danh chẳng kém một tỉnh nào khác ở Nam Kỳ, như Định Tường chẳng hạn.
Tuy nhiên, không đủ phương tiện sưu tầm tài liệu trong thời kỳ chiến tranh nầy, chúng tôi khiêm nhượng lưu ý đồng bào tân cựu, lão thiếu, năm ba điểm chính về lịch sử, địa lý và cống hiến đôi câu chuyện về nhân vật, cổ tích, giai thoại v.v… để cùng chúng chúng tôi thưởng thức những giờ nhàn rỗi.