Tại sao có những quốc gia giàu có, thậm chí là rất giàu có, trong khi có những quốc gia nghèo đói, thậm chí là rất nghèo đói? Để trả lời cho câu hỏi này, hai tác giả Daron Acemoglu và James S. Robinson đã dẫn dắt người đọc tham gia chuyến hành trình xuyên không gian và thời gian đến với những quốc gia, những nền văn minh tự cổ chí kim, từ các đế chế của quá khứ như Aztec, Inca, Maya, La Mã, Venice… cho đến các quốc gia đương đại như Mỹ, Anh, Châu Âu, Zimbabwe, Congo, Triều Tiên…
Với lượng thông tin dồi dào, kiến thức uyên bác và những phân tích sắc sảo, các tác giả lần lượt điểm lại và phản bác các lý thuyết phổ biến hiện tại về sự phồn vinh của một quốc gia. Liệu có phải một quốc gia chìm đắm trong đói nghèo là vì vị trí địa lý của nước đó không (Thuyết địa lý)? Hay các yếu tố văn hóa như tôn giáo, tính cách dân tộc, giá trị đạo đức xã hội .v..v. đã quyết định số phận đất nước như thế (Thuyết văn hóa)? Hay chỉ vì giới lãnh đạo không biết phải làm gì để đưa đất nước đi lên (Thuyết vô minh)? Câu trả lời của tác giả là rất dứt khoát: tất cả đều không phải.
Tập trung vào đối tượng nghiên cứu là các thể chế, cơ cấu tổ chức quốc gia, các tác giả đã tóm lược tất cả các thể chế của các quốc gia, bất kể khu vực nào, thời đại nào, ý thức hệ nào vào chỉ 2 loại: thể chế chiếm đoạt và thể chế dung hợp.
Thể chế chiếm đoạt (extractive institution) là một hệ thống tổ chức xã hội được giới lãnh đạo thiết kế nhằm mục đích chiếm đoạt thành quả lao động của người dân bằng cách tước đoạt quyền sở hữu của người dân, cấm đoán hoạt động kinh tế tư nhân, thu tóm quyền lực chính trị, loại bỏ các quyền tự do cá nhân, giáo dục nhằm mục đích tạo ra người tuân phục. Trong thể chế chiếm đoạt, chỉ nhà độc tài hay giới lãnh đạo là trở nên giàu có vô hạn vì đã chiếm đoạt được hầu hết thành quả lao động của người dân, còn phần lớn nhân dân sẽ chìm sâu vào đói nghèo và lạc hậu. Thể chế chiếm đoạt một khi đã hình thành thì sẽ có xu hướng tồn tại cho đến mãi mãi dù cho có thay đổi chính quyền, một vòng xoáy đi xuống sẽ hình thành khi chính quyền mới tiếp tục duy trì và tăng cường tính chiếm đoạt hơn cả chính quyền cũ, làm cho đất nước càng nghèo khổ hơn nữa.
Ngược lại, thể chế dung hợp (inclusive institution) lại tổ chức xã hội theo hướng tạo ra sự phát triển bằng cách khuyến khích người dân mưu cầu hạnh phúc và tài sản cho bản thân, quyền lực chính trị được phân tán và chịu sự giám sát từ nhiều phía, tôn trọng các quyền tự do cá nhân, giáo dục tập trung đào tạo ra con người tự chủ. Vì tạo ra động lực làm việc, động lực để sáng tạo, các thể chế dung hợp luôn mang đến sự thịnh vượng cho toàn bộ nhân dân, cho đất nước. Người dân một khi đã được nếm trải mùi vị của dân chủ, của tự do và thịnh vượng thì họ sẽ làm mọi cách để giữ lấy điều đó, từ đó tạo ra một vòng xoáy đi lên, đưa đất nước ngày càng tiến lên theo hướng dân chủ hơn, tự do hơn và thịnh vượng hơn.
Tóm lại, theo các tác giả, không phải quốc gia đó ở đâu, có nền văn hóa nào hay trình độ giới lãnh đạo mà chính việc có loại thể chế nào mới là yếu tố then chốt quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia. Nói cách khác, chính sự khác biệt về thể chế mới là đường ranh giới của đói nghèo và phồn vinh chứ không phải là Bức tường Berlin (Đông Đức và Tây Đức) hay Vĩ tuyến 38 (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc). Tuy thế, tác giả cũng nói rõ rằng, nếu có một điều gì đó tệ hại nhất thì đó không phải là một thể chế chiếm đoạt mà là một sự hỗn loạn vô chính phủ, nơi mà chiến tranh giữa chính phủ và các phe phái liên miên không dứt như Sierra Leone, Somalia, Congo. Vì thế, trước khi nói đến sự thịnh vượng, người ta phải nói đến hòa bình và ổn định.
Đi sâu vào phân tích đặc điểm của từng loại thể chế, tác giả cho rằng tuy thể chế chiếm đoạt triệt tiêu động lực lao động, triệt tiêu sức sáng tạo nên thường mang đến sự đói nghèo và lạc hậu nhưng không phải thể chế chiếm đoạt không thể đem lại sự phát triển, điển hình là Liên Xô trước đây và Trung Quốc ngày nay. Liên Xô từ năm 1928 đến 1970 đã tập trung đào tạo nhân lực, tập trung các nguồn lực kinh tế để phát triển công nghiệp nặng và đã có những thành công rực rỡ. Ưu thế của thể chế chiếm đoạt là quyền lực tập trung vào một hay một số nhỏ người nên khả năng điều phối các nguồn lực của quốc gia có thể diễn ra nhanh chóng và triệt để, từ đó tạo ra những mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tập trung nguồn lực cũng đưa các nguồn lực đến đúng chỗ, thường thì nhà độc tài hay giới lãnh đạo sẽ sử dụng hết các nguồn lực đó để làm giàu cho cá nhân mình, bất chấp sự cùng khổ của nhân dân (ví dụ như ở Ai Cập, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên…).
Ngoài ra, thể chế chiếm đoạt còn có thể tạo ra sự phát triển bằng cách cho phép tồn tại một phần nào đó sự dung hợp, ví dụ như Trung Quốc từ thập niên 1980 đến nay. Về cơ bản Trung Quốc vẫn là một thể chế chiếm đoạt (không cho sở hữu đất đai, tập trung quyền lực chính trị, kiểm soát các quyền tự do cá nhân) nhưng Trung Quốc vẫn cho phép sự phát triển của kinh tế tư nhân, cải cách giáo dục, cho phép người dân sử dụng internet (một công cụ nguy hiểm đối với các chính quyền chuyên chế).
Nhưng điểm yếu chí tử của sự tăng trưởng dưới thể chế chiếm đoạt nằm ở tính bền vững của tăng trưởng. Vì không có sự sáng tạo nên dù vận dụng các nguồn lực khéo léo đến thế nào thì cũng có một giới hạn cho sự phát triển. Đó chính là lý do tại sao Liên Xô sụp đổ về kinh tế sau thập niên 1970. Chỉ thể chế dung hợp mới có thể khuyến khích người dân cải tiến cái cũ, sáng tạo ra cái mới, từ đó mở rộng quy mô các nguồn lực hiện tại, tạo ra nhiều của cải hơn. Vì thế, sự dung hợp là không thể thiếu trong tiến trình phát triển của đất nước.
Vậy, thể chế dung hợp có phải là tối ưu tuyệt đối hay không? Rất tiếc là không có gì là hoàn hảo cả. Chính sức sáng tạo khi được giải phóng hoàn toàn sẽ liên tục cho ra những thành quả mà một vài trong số chúng mang tính thay thế đối với cái hiện tại, tạo nên sự đe dọa đối với quyền lực của giới lãnh đạo, thậm chí đôi khi còn mang đến sự hỗn loạn, tác giả gọi đây là sáng tạo phá hủy. Máy dệt sợi đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế, từ đó dẫn đến sự phân phối lại quyền lực chính trị. Máy in tước đoạt độc quyền tri thức của giới quý tộc và tăng lữ. Internet giúp con người vượt qua mọi rào cản, phổ biến tri thức, phân bổ lại quyền lực…. Vì sự sáng tạo phá hủy này mà thể chế dung hợp luôn bị những nhà độc tài, những chính quyền chuyên chế, hoặc thậm chí một bộ phận dân chúng ngăn cản phát triển. Tuy nhiên, nếu không dám mạo hiểm với phá hủy sáng tạo cũng đồng nghĩa với sẽ không có phát triển. Con đường đến với sự thịnh vượng đâu phải là con đường bằng phẳng.
Tới đây thì các tác giả đã hoàn chỉnh các bộ phận cho lý thuyết của mình, cho lời giải thích cho câu hỏi “Tại sao có những quốc gia giàu có và những quốc gia nghèo đói?”. Lý thuyết này đề cao tác dụng của dân chủ, tự do, xem đó là biểu hiện của một thể chế dung hợp – nguồn cơn của sự thịnh vượng – và lên án những thể chế chiếm đoạt – nguồn cơn của sự nghèo đói trên thế giới. Qua đó tác giả cũng vạch rõ mục đích của các chính quyền chuyên chế chỉ là muốn duy trì quyền lực, thâu tóm tài sản quốc gia và thành quả lao động của nhân dân nhằm vụ lợi cho một nhóm người có đặc quyền, bỏ mặc phần còn lại của đất nước trong lạc hậu và nghèo đói.
Từ tựa của cuốn sách là một câu hỏi (“Tại sao các quốc gia thất bại?”), các tác giả trong quá trình giải đáp câu hỏi này đã làm nhiều hơn chỉ là trả lời câu hỏi. Từ một lời giải thích, tác giả đã đưa ra một mục tiêu; từ một mục tiêu, người dân ở các quốc gia sẽ có được một lộ trình để đưa đất nước mình tiến tới sự thịnh vượng. Vì vậy, có thể xem đây là cuốn sách kinh tế – chính trị mang ý tưởng kích động nhất từng được xuất bản ở Việt Nam, người đọc sau khi kết thúc cuốn sách không khỏi nghĩ tới việc tạo nên một vòng xoáy đi lên ở đất nước mình, đưa Việt Nam thoát khỏi lạc hậu, tiến lên phồn vinh.