Ngày xưa, có đôi vợ chồng nghèo sinh được hai mụn con. Năm đó, đứa lớn là trai mười một tuổi, đứa bé là gái lên sáu tuổi. Mỗi lần hai vợ chồng đi làm đồng hay đi đâu vắng thường để hai con ở nhà, dặn anh trông nom em gái.
Một hôm trước khi đi làm, người mẹ trao cho hai con một cây mía, bảo con lớn ở nhà chặt cho em ăn. Đứa anh ở nhà tìm dao chặt mía, không ngờ khi nó vừa đưa dao lên chặt, thì lưỡi dao sút cán văng vào đầu em. Cô bé ngã quay ra bất tỉnh nhân sự, máu đỏ lênh láng cả một vạt đất. Thấy thế, thằng anh tưởng em gái đã chết, hoảng sợ bèn bỏ nhà mà trốn đi.
Cậu bé đi, đi mãi. Trên bước đường lưu lạc, cậu ở nhà này một ít lâu rồi bỏ đi đánh bạn với nhà khác. Trong hơn mười lăm năm, cậu không biết mình đi những xứ nào, cơm ăn của bao nhiêu nhà. Cho đến lần cuối cùng, cậu làm con nuôi một người đánh cá ở miền vùng biển Bình Định. Nghề chài lưới giữ chân cậu bé lại ở đây.
Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Cậu bé đã lớn, rồi anh kết duyên cùng một cô gái xinh đẹp. Vợ anh cũng thạo nghề đan lưới. Mỗi lúc thuyền của chồng về bãi, vợ nhận lấy phần cá của chồng, quảy ra chợ bán. Sau hai năm có được mụn con, hai vợ chồng cảm thấy sung sướng vô hạn.
Hôm ấy biển động, anh nghỉ ở nhà vá lưới. Cơm trưa xong, vợ xõa tóc nhờ anh bắt chấy, đứa con đi chập chững trước sân nhà, bốc cát chơi một mình. Thấy vợ có một cái sẹo bằng đồng tiền ở trên tai bên phải, chồng lấy làm ngạc nhiên vì bấy lâu nay mái tóc đen của vợ đã hữu ý che kín cái sẹo không cho một người nào biết, trong số đó có cả chồng. Anh liền hỏi về lai lịch chiếc sẹo. Vợ vui miệng kể: “Ngày đó cách đây hơn hai mươi năm, em mới bằng một tí đã biết gì đâu, anh ruột của em chặt mía cho em ăn. Chao ôi! Cái mũi mác tai hại đã trúng em. Em ngất đi. Sau này, em mới biết lúc đó hàng xóm đã đổ tới cứu chữa rất lâu cho đến khi cha mẹ em về thì mới chạy tìm thầy thuốc. May làm sao em vẫn sống để nhìn lại cha mẹ. Nhưng lại mất đi người anh ruột vì anh của em sợ quá đã bỏ trốn. Cha mẹ em cố ý tìm kiếm nhưng tuyệt không có tin gì. Rồi đó, cha mẹ em thương con buồn rầu quá, thành ra mang bệnh, kế tiếp nhau qua đời. Phần em, không có người nương tựa, lại bị người ta lập mưu cướp hết của cải và đem bán cho thuyền buôn. Em không ở yên một nơi nào cả, nay đây mai đó, cuối cùng đến đây gặp anh…”.
Sau lưng người vợ, nét mặt của chồng biến sắc khi biết là lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha me, tin quê quán do vợ nói ra. Nhưng chồng vẫn cố ngăn cản xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết.
Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng, người chồng chở lưới ra biển đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lại. Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mòn mỏi. Nàng không hiểu tại sao mỗi khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền chở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt.
Mỗi chiều nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển,con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt. Tuy nước mắt bấy giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng. Hình bóng ấy đối với dân làng thành quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá.
Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Người ta vẫn gọi là đá Trông Chồng hay đá Vọng Phu.