Ai là người phát minh ra đũa? Đũa được làm ra từ lúc nào? Không ai có thể giải đáp được những câu hỏi này. Hiện có 3 truyền thuyết liên quan đến khởi nguyên của đũa
1- Truyền thuyết liên quan đến Khương Tử Nha
Truyền thuyết này lưu truyền ở vùng Tứ Xuyên. Theo truyền thuyết này, Khương Tử Nha chỉ biết mỗi việc là câu cá với lưỡi câu thẳng, những việc khác đều không biết làm, cho nên cuộc sống vô cùng nghèo khó. Vợ của ông ta không thể cùng ông sống qua những tháng ngày cực khổ nên có ý muốn giết ông để đi lấy người chồng khác.
Một ngày nọ Khương Tử Nha đi câu trở về nhà với hai bàn tay trắng, người vợ nói rằng:
Ông đói rồi phải không? Tôi đã nấu thịt cho ông ăn, ông mau ăn đi!
Khương Tử Nha quả thực rất đói, liền giơ tay bốc miếng thịt. Đột nhiên có một con chim từ bên ngoài cửa sổ bay đến mổ ông ta một cái. Khương Tử Nha kêu lên một tiếng, thịt chưa kịp ăn, liền đuổi chim bay đi. Lần thứ hai khi ông cầm miếng thịt, chim lại mổ vào mu bàn tay. Khương Tử Nha nghi ngờ, tại sao chim hai lần mổ mình, lẽ nào miếng thịt này ăn không được? Để thử chim, lần thứ ba ông cầm miếng thịt, và lần này chim cũng lại mổ ông. Khương Tử Nha biết đây là chim thần nên vờ đuổi theo ra khỏi cửa, theo đến bên sườn núi không có người. Chim thần đậu trên nhánh trúc, cất tiếng rằng:
Khương Tử Nha ơi! Ăn thịt không thể dùng tay bốc, đồ gắp thịt ở dưới chân ta…
Khương Tử Nha nghe qua biết chim thần chỉ điểm liền bẻ hai đoạn trúc nhỏ mang về nhà. Lúc này người vợ giục ông ăn, Khương Tử Nha lấy ra hai đoạn trúc gắp thịt, đột nhiên nhìn thấy một làn khói xanh từ đoạn trúc bốc lên. Khương Tử Nha giả vờ không biết có độc, nói với vợ rằng:
Thịt sao lại bốc khói, lẽ nào có độc?
Vừa nói, Khương Tử Nha vừa gắp thịt đưa vợ ăn. Bà vợ mặt mày biến sắc vội bỏ chạy.
Khương Tử Nha biết rõ trúc này là trúc thần mà chim thần tặng cho, bất kì loại độc nào nó cũng nghiệm ra được. Từ đó mỗi khi ăn cơm, ông dùng hai đoạn trúc để gắp thức ăn. Sau khi chuyện này lan truyền ra, bà vợ ông không dám hạ độc nữa, hàng xóm cũng học theo cách dùng trúc để ăn cơm. Về sau, người bắt chước theo ngày càng đông, tập tục dùng đũa cũng được lưu truyền cho đời sau.
Truyền thuyết này rõ ràng là sản vật sùng bái Khương Tử Nha, không phù hợp với những ghi chép trong lịch sử. Thời đại vua Trụ nhà Ân đã xuất hiện đũa làm bằng ngà voi, Khương Tử Nha là người cùng thời với Trụ vương, vua Trụ đã dùng đũa ngà, thế thì không thể nói Khương Tử Nha là người phát minh ra đũa. Chẳng qua có một điểm chân thực, đó là thời nhà Thương, ở phương nam đã dùng trúc làm đũa.
2- Truyền thuyết liên quan đến Đát Kỉ
Truyền thuyết này lưu hành ở vùng Giang Tô. Trụ vương là người mừng giận thất thường, khi ăn cơm nếu không chê thịt cá không tươi thì cũng chê canh gà quá nóng, có lúc chê thức ăn nguội lạnh. Kết quả rất nhiều đầu bếp trở thành ma quỷ dưới tay ông ta. Sủng phi Đát Kỉ biết khó mà hầu hạ Trụ vương, cho nên mỗi lần thiết đãi yến tiệc, Đát Kỉ đều phải nếm trước để tránh Trụ vương thịnh nộ chê mặn chê nhạt. Có một lần, Đát Kỉ nếm đến mấy chén canh nóng, nhưng chưa kịp gia giảm, Trụ vương đã tới bên bàn. Để làm Trụ vương vui lòng, Đát Kỉ lanh trí, vội rút cây trâm ngọc dài gắp thức ăn thổi qua mấy cái rồi dâng cho Trụ vương. Trụ vương cho rằng đó là cách hưởng lạc nên hàng ngày bảo Đát Kỉ phải làm như thế. Đát Kỉ sai thợ làm riêng cho mình hai chiếc trâm ngọc dài để gắp thức ăn, đó chính là hình thức ban đầu của đũa ngọc. Về sau cách gắp thức ăn này truyền ra dân gian, nên đã sản sinh ra đũa.
Truyền thuyết này không giống như truyền thuyết đầu đầy màu sắc thần thoại, nó tương đối gần với cuộc sống hơn, có một số ý nghĩa hiện thực, nhưng vẫn có tính truyền kì, cũng không phù hợp với lịch sử. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được đũa đồng trong ngôi mộ số hiệu 1005 thời Ân Thương tại Hầu Gia Trang ở An Dương. Khảo chứng niên đại của nó sớm hơn thời Trụ Vương. Rõ ràng đũa không phải do Trụ vương phát minh, cũng không phải do Đát Kỉ sáng tạo, mà là sản vật đã có từ rất sớm.
3- Truyền thuyết liên quan đến Đại Vũ
Truyền thuyết này lưu truyền ở khu vực Đông Bắc. Thời Nghiêu Thuấn nạn hồng thuỷ lan tràn, vua Thuấn sai ông Vũ trị thuỷ. Đại Vũ sau khi nhận mệnh, thề vì dân trị thuỷ, cho nên 3 lần qua nhà mà không vào. Ông ngày đêm vật lộn với công việc không có phút nghỉ ngơi, ngay cả lúc ăn cơm lúc ngủ cũng không bỏ lỡ một giây một phút.
Có một lần, Đại Vũ ngồi thuyền đến một hòn đảo, bụng đói cồn cào nên bắc nồi đất lên nấu thịt. Sau khi thịt trong nồi sôi, vì nóng nên không thể dùng tay lấy thịt. Đại Vũ không đợi thịt nguội mà lãng phí thời gian, nên đã dùng 2 cành cây gắp thịt ra ăn. Từ đó, để tiết kiệm thời gian, Đại Vũ luôn dùng cành cây, đoạn trúc lấy thức ăn từ trong nồi đang sôi, như vậy có thể tiết kiệm được thời gian. Dần dà Đại Vũ sử dụng thành thạo 2 chiếc que gắp thức ăn. Đám thủ hạ trông thấy Đại Vũ ăn như thế, vừa không bỏng tay, vừa không vấy bẩn, vì thế cũng bắt chước theo, dần hình thành hình thức ban đầu của đũa.
Tuy truyền thuyết chủ yếu là thông qua tư liệu lịch sử nào đó biểu hiện sự lí giải, cách nhìn và cảm tình của quần chúng nhân dân đối với sự kiện lịch sử, không phải tái hiện một cách nghiêm túc bản thân sự kiện lịch sử, nhưng Đại Vũ trong quá trình ban đầu trị thuỷ ngẫu nhiên sản sinh cách dùng đũa, khiến người đời nay tin vào tình hình chân thực này. So với truyền thuyết chế tạo đũa liên quan đến Khương Tử Nha và Đát Kỉ, truyền thuyết này rõ ràng thuần phác và có tình cảm chân thực hơn, và cũng phù hợp với quy luật phát triển sự vật.
Thúc đẩy sự sản sinh ra đũa, bước ngoạt chuyển hoá chủ yếu nhất đó là ăn chín bỏng tay. Thời thượng cổ, vì không có khí cụ kim loại, lại thêm xương thú tương đối ngắn, cực giòn, không dễ gia công, vì thế tiên dân thuận tay bẻ nhánh cây cành trúc để gắp thức ăn. Vào thời đó, ở vào hoàn cảnh hoang dã, con người sinh sống ở hang động trong rừng, vật dễ kiếm nhất là nhánh cây cành trúc. Chính vì như thế, que nhỏ, đoạn trúc nhỏ trải qua việc tiên dân khêu bới thức ăn khi nấu chín, đã gắp thức ăn khi còn rất nóng, khuấy đảo khi nấu cơm, dần xuất hiện hình dạng của đũa. Đây là quy luật phát triển tự nhiên trong hoàn cảnh đặc thù của nhân loại. Từ hình thể đũa hiện nay mà nghiên cứu, nó vẫn còn mang đặc trưng của chiếc que gỗ nguyên thuỷ, cho dù trải qua sự phát triển hơn 4000 năm, tính nguyên thuỷ của nó vẫn không hề thay đổi.
Đương nhiên, dù truyền thuyết nào đi nữa vẫn luôn trải qua sự chọn lọc, cắt bỏ, hư cấu, khoa trương, tô vẽ của nhân dân các thời đại, thậm chí huyễn tưởng gia công mà thành, Đại Vũ sáng chế ra đũa cũng không ngoại lệ. Truyền thuyết đã đem quá trình chế tạo đũa mà bách tính qua mấy ngàn năm mò mẫm, tập trung về cho nhân vật điển hình Đại Vũ. Kì thực, sự ra đời của đũa phải là do trí tuệ tập thể của quần chúng tiên dân, chứ không phải công lao của một cá nhân nào. Nhưng đũa có khả năng khởi nguồn ở thời Đại Vũ, trải qua mấy trăm năm thậm chí cả ngàn năm ứng dụng và phổ cập, đến đời Thương đã thành loại dụng cụ dùng trong ăn uống cùng với muỗng.