“Nhận thức về thực tại là một nguồn sáng luôn luôn phóng ra bóng tối ở một nơi nào khác. Nó không bao giờ ngay lập tức soi rọi đến mọi nơi. Hiện thực luôn luôn được hiển lộ qua nhiều đợt. Hiện thực không bao giờ là cái người ta “hình dung ngay như thế”, mà luôn luôn là cái người ta “đáng nhẽ phải thấy thế”. Tư duy thực nghiệm chỉ sáng tỏ “sau đó”, khi hệ thống khái niệm duy lý đã hoàn chỉnh. Khi quay lại nhìn một quá khứ chứa những sai lầm, thật sự là người ta nhìn thấy sự thực qua một niềm hối lỗi của tri thức .
(…) Ý tưởng cho rằng bắt đầu từ số không, rồi đặt cơ sở và tích lũy của cải, chỉ có thể đến từ những nền văn hóa góp nhặt đơn giản, nơi mà biết thêm được một điều là giàu thêm được ngay điều ấy. Nhưng đứng trước những bí ẩn của thực tại, tâm hồn con người không thể tự cho mình sắc lệnh biến mình thành tinh khôi chất phác. Khi đó không thể tức thì xóa sạch những hiểu biết thông dụng. Đứng trước thực tại, hiển nhiên những gì người ta tưởng là đã biết che khuất những gì người ta đáng nhẽ được biết. Khi đi đến với văn hóa khoa học tinh thần con người không bao giờ trẻ. Nó thực quả rất già, vì nó mang tuổi của tất cả những thành kiến. Thấu đạt vào khoa học chính là sự cải lão hoàn đồng nhận thức, chính là chấp nhận sự thay da đổi thịt đột ngột, có ý nghĩa phủ định quá khứ.” (Chương một: Khái niệm về chướng ngại nhận thức)