Bạn đã đọc Kinh tế học hài hước (Freakonomics) và bạn muốn biết Siêu kinh tế học hài hước (Superfreakonomics) có gì khác biệt?
Nếu như trong Kinh tế học hài hước, tác giả đã làm cho chúng ta cực kỳ ngạc nhiên, thú vị trước những hiện tượng tưởng như bình thường nhưng “nhìn vậy mà không phải vậy” xảy ra hàng ngày quanh ta thì Siêu kinh tế học hài hước hướng ta suy nghĩ đến những vấn đề mang tính xã hội hơn, thời sự hơn, và khiến ta phải trăn trở nhiều hơn.
Vẫn phong cách đặt câu hỏi không những chỉ khó mà còn hoàn toàn bất ngờ như “Điều gì là nguy hiểm hơn, vừa say rượu vừa lái xe, hay vừa say rượu vừa đi bộ?”, “Tại sao biện pháp hóa trị liệu được kê đơn cho bệnh nhân nhiều như vậy trong khi nó thực sự không hiệu nghiệm đến thế?”, hay “Liệu thay đổi giới tính có giúp tăng mức lương của bạn lên không?”… các tác giả đã thử thách tư duy chúng ta một lần nữa, giúp ta khám phá những khía cạnh bí ẩn rất thú vị của đời sống xã hội.
Qua những câu chuyện về cách con người phản ứng trước động cơ, và sử dụng những dữ liệu thống kê để làm nổi bật những khía cạnh mà trước đó bạn chưa bao giờ nghĩ đến, tác giả cho ta thấy kinh tế học đã chạm đến cuộc sống hàng ngày như thế nào. Ví như việc đi bộ khi say xỉn thì nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với việc lái xe khi say; Những tay ma cô dắt gái giống với đám cò nhà đất như thế nào; Vì sao những kẻ đánh bom liều chết nên mua bảo hiểm sinh mạng; Tại sao Iran lại dùng động cơ kinh tế, chứ không phải kêu gọi lòng thương người, để tăng số người hiến thận; Trẻ xem ti vi thường xuyên có nhiều nguy cơ dính dáng đến tội ác khi lớn lên…
Trong Kinh tế học hài hước và Siêu Kinh tế học hài hước, Levitt và Dubner đã pha trộn cách suy nghĩ thông minh với tài kể chuyện hấp dẫn không giống bất kỳ ai trong nhiều chủ đề khác nhau của cuốn sách, từ việc tìm hiểu cách thức giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu cho đến lý giải vì sao giá của việc mua dâm càng ngày càng giảm một cách không ngờ. Từ việc khảo sát cách thức mà con người phản ứng trước những sự việc khác nhau, các tác giả đã cho cả thế giới thấy rõ động cơ của những hành động đó – có tốt, có xấu. Phần phân tích cuối cùng rất đáng đọc vì vấn đề đó thực sự “siêu hài hước”.
Ngay lập tức trở thành một hiện tượng xuất bản ở Mỹ khi leo lên vị trí hàng đầu trong danh mục các sách bestseller, Siêu Kinh tế học hài hước chắc chắn sẽ mang lại cho bạn cách nhìn mới về những việc tưởng chừng đã cũ…
VÀI LỜI PHÂN BUA
Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, trong cuốn sách đầu tiên, chúng tôi đã nói dối. Những hai lần.
Lời nói dối đầu tiên xuất hiện ở phần giới thiệu, khi chúng tôi viết rằng cuốn sách đó không có “chủ đề thống nhất”. Sự tình là thế này. Khi những biên tập viên của nhà xuất bản – những người ấy thật dễ mến và thông minh – lần đầu tiên đọc bản thảo, họ đã la toáng lên: “Cuốn sách này chả có chủ đề thống nhất gì cả!” Thay vào đó, bản thảo gồm một đống câu chuyện về những thầy giáo lừa đảo, những kẻ môi giới nhà đất cơ hội và những tên ma cô trẻ ranh bám váy mẹ (crak-selling mama’s boys). Chẳng có nền tảng lý thuyết kỳ diệu nào được xây dựng dựa trên cơ sở là những câu chuyện này hết, chỉ có một con số đáng kể được tính bằng tổng số các câu chuyện cộng lại với nhau.
Sự cảnh báo của nhà xuất bản chỉ thực sự trở thành vấn đề khi chúng tôi đề xuất một cái tên đặt cho mớ hỗn độn ấy: Freakonomics (Kinh tế học hài hước). Ngay cả trên điện thoại, bạn cũng có thể nghe thấy họ vò đầu bứt tóc than van: Hai gã này vừa chuyển đến một bản thảo chả có chủ đề thống nhất và vô nghĩa lý, đã thế lại còn một cái tên kỳ cục nữa chứ!
Vì vậy, thật hợp lý khi người ta đề xuất phải in ngay ở trang đầu tiên của cuốn sách, ngay trong lời giới thiệu, rằng cuốn sách này không có chủ đề thống nhất. Và, để giữ hòa khí (cũng vì cuốn sách nữa), chúng tôi đã đồng ý như vậy.
Nhưng sự thực là cuốn sách có một chủ đề thống nhất, ngay cả khi nó không rõ ràng với chúng tôi, vào thời điểm ấy. Nếu phải lựa chọn, bạn có thể rút gọn chủ đề của cuốn sách trong cụm từ: Con người hành động vì động cơ. Còn nếu bạn muốn rõ hơn, thì có thể nói thế này: Con người hành động vì động cơ, mặc dù không nhất thiết phải theo những cách có thể đoán định được hoặc tuyên ngôn. Bởi vậy, một trong những quy tắc hành xử quyền năng nhất trong vũ trụ này chính là quy tắc của sự bất quy tắc. Điều này áp dụng cho cả giáo viên, những tay đầu cơ nhà đất, những lái buôn thông thái cũng như các bà mẹ đang mong chờ đứa con đầu lòng, vận động viên sumô, người bán bánh ngọt và những thành viên Ku Klus Klan.
Vấn đề tên gọi của cuốn sách, trong khi đó, vẫn tiếp tục bế tắc. Sau vài tháng với hàng tá những gợi ý, bao gồm Trí tuệ Độc đáo (Unconventional Wisdom) (é!), Chẳng cần thiết phải thế (Ain’t Necessarily So) (bleh!), và Tầm nhìn E-Ray (E-Ray Vision) (ôi, đừng hỏi!), nhà xuất bản cuối cùng quyết định rằng có lẽ Kinh tế học hài hước cũng chẳng đến nỗi tệ lắm – hay đúng hơn nó tệ đến nỗi có khi trên thực tế lại trở thành một phương án tốt.
Hoặc đơn giản là vì họ đã kiệt sức.
Phần đề phụ hứa hẹn rằng cuốn sách sẽ khám phá “những khía cạnh bí mật của tất cả mọi thứ.” Đó là lời nói dối thứ hai. Chúng tôi thì tưởng như chắc chắn rằng những bạn đọc chí lý sẽ coi những câu như vậy là một cách nói quá. Nhưng một vài độc giả lại hiểu theo nghĩa đen, rồi phàn nàn rằng các câu chuyện của chúng tôi, một bộ sưu tập rất nhiều những câu chuyện dù thú vị, nhưng thực ra vẫn không đề cập được đến “tất cả mọi chuyện”. Và vì vậy, mặc dù lời đề phụ không có ý nói dối, nhưng lại trở thành một lời nói dối như vậy. Chúng tôi xin được thứ lỗi.