Những năm gần đây, ở khắp nước ta, hầu như ai N cũng có cái thú chăm sóc một chậu Phong lan ở ngay nơi mình sống. Người có điều kiện kinh tế dồi dào, đất đai rộng, thì lập một vườn Phong lan có đầy đủ giàn treo, các phương tiện gây trồng, chăm sóc và có thể kinh doanh một phần. Người sống nơi chật hẹp, thì chỉ cần một chút nhỏ không gian đủ treo một vài giò phong lan, có thể nơi cửa sổ, cạnh lối đi hay nơi bao lơn… Khi phong trào mới rộ lên, thì các chậu Phong lan lai có giống xuất xứ từ các nước nhiệt đới khác, là đối tượng săn lùng, mua bán rộn ràng nhất, chỉ ít người với cái thú riêng mới chăm sóc các bụi Phong lan thu hái từ các cánh rừng trong nước. Phong lan bản địa chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, các loài Phong lan rừng vẫn cứ được sưu tầm và phát hiện đều đều. Và vị trí Phong lan rừng dần được đánh giá đúng vai trò của nó. Một số ít đã thành hàng hóa cho các khách nước ngoài. Thật là :
“Hữu xạ tự nhiên hương.
Hà tất đương phong lập”
“Có xạ tự nhiên nó thơm
Lựa phải ra gió mới bay mùi”.
Về mặt khoa học, họ Phong lan Việt Nam, với các loài cây có hoa đẹp kỳ lạ, hương thơm quí phái vẫn là nguồn hấp dẫn vô biên cho cả người sưu tầm lẫn định danh khoa học. Nó luôn được phát hiện và đặt tên mới. Nhiều loài Phong lan rừng cho đến nay vẫn chưa có tên gọi. Số lượng chi, loài trong họ Phong lan Việt Nam ngày càng lớn, và họ Phong lan Việt Nam đã trở thành một họ cây có giá trị tài nguyên vào bậc nhất trong các họ cây rừng của hệ thực vật nước ta. Không năm nào là không tìm thấy một vài giò Phong lan lạ làm sửng sốt các nhà phân loại học thực vật, và không năm nào không thấy xuất hiện các tên định danh mới cho Phong lan xuất hiện trên các tạp chí khoa học thế giới. Các hội chợ hoa trong nước và trên thế giới, hàng năm vẫn trưng bày các giò Phong lan làm khách tham dự thưởng ngoạn không chán mắt. Do đó việc tìm hiểu các loài Phong lan bản địa luôn được mọi người chú ý, quan tâm. Một cuốn sách viết về họ này luôn bị lạc hậu trong thời gian ngắn nhất.
Trước đây, trong hoàn cảnh tư liệu còn thiếu thốn, việc sưu tầm còn hạn chế, cuốn “Phong lan Việt Nam” do nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành (1988 – 1990) mới chỉ giới thiệu một số chi loài chính, dễ gặp, có khả năng làm cây cảnh phổ thông. Nay, chúng tôi chỉnh sửa lại, theo các danh pháp mới, bổ sung số chi loài cho hoàn thiện. Về nội dung cơ bản, cuốn sách này vẫn giữ nguyên trình tự trình bày các chi, loài theo thứ tự vẫn, kèm theo sự mô tả đơn giản và hình ảnh bổ sung. Chúng tôi cố gắng giới thiệu đầy đủ các chi, loài đã được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới thống kê trong các tài liệu gần đây nhất. Dĩ nhiên sự tham khảo đó không tránh khỏi các thiếu sót và chưa chính xác, mong có dịp bổ sung, chắc chắn nhiều loài cây vẫn chưa được phát hiện, hay tuy đã có mẫu nhưng chưa được định danh cụ thể. Công việc này phải do nhiều người làm trong nhiều năm nữa.
Mỗi loài cây có thêm phần tóm tắt bằng tiếng Anh, vừa mô tả vừa bổ sung cho phần tiếng Việt để cung cấp thêm chi tiết.
Các cánh rừng miền Bắc và dọc trên vùng núi cao của dãy Trường sơn vẫn là nơi trú ngụ của nhiều loài Phong lan đẹp và quí. Việc sưu tầm, phát hiện, khai thác phải hết sức thận trọng và có mức độ thì sự đóng góp của họ Phong lan cả về mặt khoa học lẫn kinh tế mới phát huy được cao nhất. Nếu không, thì cả họ Phong lan lẫn môi trường sống ẩm mát sẽ bị phá hoại dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài.
Nếu trước đây, khi Khổng Tử từ nước Vệ về nước Lỗ, đi qua vùng núi sâu hẻo lánh thấy nhiều loài Phong lan mọc mà than rằng:
“Lan vi vương giả hương
Kim nải dữ chúng thảo ngư”
“Lan có mùi hương vương giả
Nay lại phải ở chung với các loài cỏ”
Thì ngày nay, ngược lại, nếu có dịp phát hiện các bụi Phong lan đang sống ẩn náu, xanh tươi trong đám cỏ cây nơi rừng sâu thì phải mừng rằng môi trường sống của rừng vẫn còn tốt đẹp, các loài Phong lan vẫn chưa bị khai thác lạm dụng, và xin đừng bao giờ có ý định thu hoạch cạn kiệt để buôn bán hay đem về nơi không phù hợp với hoàn cảnh sống tự nhiên của chúng. Hãy thưởng ngoạn, bảo vệ, và hẹn nhiều mùa sau, mỗi khi cây trổ bông mọi người dân đất Việt đều được chia xẻ cái thú vui chiêm ngưỡng 1 kỳ công của tạo hóa, để :
“Khứ tuế xuân quy, sầu cửu biệt
Kim niên xuân đáo, khách tương phùng”
“Năm ngoái xuân về, ta buồn vì phải xa cách lâu
Năm nay xuân đến, ta vui mừng lại được gặp nhau”
Tác giả