Bây giờ thì tên tuổi nhà báo, người anh hùng tình báo, thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã nổi tiếng thế giới bởi nghiệp vụ tinh thông, chiến công xuất sắc, tính cách thầm lặng, hài hước, nhân bản. Ông còn được biết đến sâu hơn, kỹ hơn bằng các tác phẩm của các nhà báo, nhà văn, nhà sử học trong và ngoài nước. Từ cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên Người Như Cuộc Đời của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đến tác phẩm Điệp Viên Hoàn Hảo của giáo sư sử học Larry Berman (Mỹ) có thể nói, ông Ẩn được soi rọi từ nhiều phía, nhiều góc độ. Người đời hiểu ông rõ hơn, dù ông đã từ giã thế giới từ năm 2006.
“Phạm Xuân Ẩn – Cuộc đời hai mặt không thể tin được”. Quả đúng như lời Larry Berman đã nhận định về ông. Ngược thời gian vài chục năm trở về trước, ông Ẩn quả tình là ẩn số. Việc tiếp cận đã khó, đối thoại với ông càng khó hơn. Bởi ông hay nói: việc xong cho qua luôn. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải tâm sự: “Phải mất 10 năm tôi mới viết xong được cuốn sách mỏng đó. Tất nhiên, như tất cả mọi người viết, lúc đầu tôi cũng bị từ chối. Có nhiều điều ông không muốn và không thể nói ra để bảo vệ người liên quan. Tôi cũng thấy rõ đây là việc quá sức mình. Nhân vật thì không sẵn sàng bộc lộ; xâm nhập vào các tài liệu tình báo thì không có điều kiện. Tôi bỏ ý định viết. Nhưng rồi tự nhủ: Không viết thì thôi, mình cứ xin nghe để hiểu, để học hỏi một con người đặc biệt. Đó là cách sống, chứ đâu chỉ có công việc mới tìm đến. Có lẽ cách cư xử thật thà và tò mò một cách chân thành này khiến ông có cảm tình. Ánh mắt và cử chỉ của con người từng trải và đặc biệt ấy dường như tiếp cho người cầm bút thêm nghị lực và niềm mong ước. Nhà văn bộc lộ: “Tôi không thể đủ điều kiện viết về ông theo cách chuẩn xác của những điệp vụ. Càng không muốn liệt kê theo các bản khai lý lịch đơn thuần. Tôi muốn tìm ra cái chất “Người Việt trầm lặng” mà Morley hình dung, hoặc là chất honor trong cuộc đời ông mà Peter Ross Range đề nghị. Nhưng sau hết, tôi muốn mọi người Việt Nam được đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương con người nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy. Sức mạnh của con người được lấy từ mỏ năng lượng quý báu và thần diệu nào đã ban cho? Nếu như bạn đọc nào ao ước cùng tới điều đó thì hãy đọc cuốn sách này. Nó là một phần chân dung để chúng ta tự hiểu hình ảnh người Việt cao quý giống như chúng ta đang vẽ ra bản đồ của một tầm hồn.”
Sau đó, Phạm Xuân Ẩn đã xuất hiện một lần trên truyền hình Việt Nam, ở chương trình Người đương thời và đạo diễn Phong Lan cũng đã hoàn thành một bộ phim tài liệu về ông.
Cuốn sách này của tác giả Ngọc Hải là khởi đầu của việc giới thiệu nhà tình báo huyền thoại với công chúng. Còn đây là cảm nhận riêng của giáo sư Larry Berman khi đến nhà mang tặng cuốn Điệp Viên Hoàn Hảo bằng tiếng Anh chưa xuất bản ở Việt Nam với lời đề: “Cuốn sách của bà đã mở đường cho tất cả chúng tôi: Your biography of Pham Xuan An led the way for the rest of us…”
Sự khó nhọc được ghi nhận. Cuốn sách của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải đã được Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tặng giải thưởng.