Trong những nhà tình báo siêu hạng của chúng ta, có 2 điệp viên vừa được phong quân hàm cấp tướng vừa được phong danh hiệu anh hùng. Đó là
Phạm Xuân Ẩn và ông. Tên của vị lão tướng này cho đến nay vẫn chưa hề xuất hiện trên sách báo. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những chuyện hào hùng gay cấn xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, trong đó có hơn 20 năm hoạt động đơn độc giữa Sài gòn.
Bằng lòng yêu nước vô bờ bến và tài năng bẩm sinh, ông đã thực hiện nhiều điệp vụ siêu hạng, trong đó có việc cứu ông hoàng Norodom Shihanouk và cứu ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng)… Ông là ai vậy ? Đồng đội gọi ông là Ba Quốc, còn trong giấy tờ, ông là Đặng Trần Đức, thiếu tướng anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam… Năm nay đã 83 tuổi, ông vẫn chưa được nghỉ hưu. Và khi chúng tôi khởi đăng loạt ký sự này thì ông đang nằm bệnh viện vì một căn bệnh hết sức hiểm nghèo…
Bước chân vào nghề
Hai năm trước, khi thu thập thông tin để viết thiên ký sự về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi có dịp “thâm nhập” vào các mạng lưới tính báo và được gặp nhiều điệp viên siêu hạng. Chúng tôi bị cuốn hút bởi các chiến công và những câu chuyện ly kỳ của họ, đã đành là như vậy rồi. Nhưng càng thâm nhập sâu, càng hiểu nhiều hơn về họ, chúng tôi càng bị một sức cuốn hút khác, mạnh mẽ hơn. Đó là những nhân cách lớn được tạo ra từ lòng yêu nước và tâm hồn trong trẻo của họ. Ai trong số họ cũng có một cuộc đời đầy sóng gió nhưng tất cả đều sống thầm lặng. Họ không hiếu danh. Đức tính đó cuốn hút mạnh mẽ chúng tôi, nhưng cũng gây cho chúng tôi không ít khó khăn, bởi họ không muốn nói về mình.
Lần đầu tiên chúng tôi biết về ông Ba Quốc là từ câu chuyện với ông Mười Nho, một cán bộ chỉ huy tình báo lão thành. Trong những lần nói chuyện với chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, ông Mười Nho có kể chuyện về ông Ba Quốc vâ “hứa” sẽ giới thiệu chúng tôi gặp ông – người mà ông Mười Nho cho là cũng rất “lừng lẫy”. Nhưng đến lần gặp sau thì ông Mười Nho lắc đầu, ông nói ông đã “cố gắng hết sức mình” để thuyết phục, nhưng ông Ba Quốc không đồng ý để ai viết về mình. Chúng tôi đem câu chuyện này nói với một sĩ quan tình báo quân đội, người hay lui tới chỗ ông. Anh này cũng lắc đầu : “Khó lắm. Ông ấy sống âm thầm, vĩnh viễn không muốn ai biết về những chuyện của ông ấy”. Cuối cùng, chúng tôi phải nhờ đến người chỉ huy cao nhất của cơ quan tình báo quốc phòng. Đó là một vị tướng trẻ, từng làm trợ lý cho ông Ba Quốc. Vị tướng trực tiếp dẫn chúng tôi đến giới thiệu với ông Ba Quốc bằng một lời “bảo lãnh” khiến chúng tôi hơi bất ngờ : “Thưa chú, Báo Thanh niên là tờ báo nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn tội ác Năm Cam và những kẻ bảo kê cho Năm Cam, chú có thể yên tâm”. Và hoàn toàn không giống như chúng tôi hình dung. Thiếu tướng anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam Đặng Trần Đức không phải là một ông già nghiêm nghị, khó tánh và lập dị. Ông trả lời vị tướng trẻ bằng một nụ cười cực kỳ hiền từ. Trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng đầy thần sắc của ông vừa lộ rõ khí phách, vừa ẩn chứa những nét bao dung đôn hậu. Sau này chúng tôi mới biết, ngày xưa khi làm sĩ quan trong Đặc ủy Trung ương tình báo Sài gòn, ông mang tên Nguyễn Văn Tá, biệt hiệu là Tá “bụt”…