Nỗi Buồn Chiến Tranh là một tác phẩm dễ làm người đọc ám ảnh vì câu chữ sâu xa, đau đớn, tàn khốc của một đời chiến binh với từng đoạn hồi ức đứt đoạn bởi cảm xúc, bởi những đoạn đời ngắn ngủi mà cho dù cố ghép lại cũng không thể liền mạch.
Kiên – người kể chuyện, trong mười năm chiến tranh và mười năm hoà bình với gia đình lạc loài không hoàn hảo, với tình yêu mãnh liệt, điên cuồng, với hiện thực chẳng thanh cao mà chỉ nhuốm đầy ti tiện của con người. Trong thế giới ấy, Kiên sống mà như đang mộng, mộng trên chiến trường đầy máu, mộng trong cuộc đời liều lĩnh và theo đuổi sự tự do vĩnh cửu.
Nỗi Buồn Chiến Tranh day dứt nhiều hơn buồn. Người đọc lạc vào những trang sách như đang cất bước trong mê cung tâm tưởng với đủ loại người, đủ loại tính cách, đủ loại quan điểm sống mà ít nhiều đều mang tính huỷ diệt. Nhận diện chiến tranh dưới góc nhìn bi quan và tiêu cực, Nỗi Buồn Chiến Tranh khắc hoạ cái định nghĩa bi thảm về chiến tranh, rằng “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” Trong cái cõi ấy, có hàng ngàn thanh niên, như Kiên, dù đã tự hỏi mình nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến, để rồi khi nó qua đi, cả cuộc đời đã không còn lại gì nữa.
Trang sách khép lại, khó có ai còn thấy bình thường sau những gì đã đọc. Hoang mang, tiếc nuối, tuyệt vọng… với những câu hỏi về đời, về người, về lý tưởng sống mà có lẽ vĩnh viễn, dù con người có cố công tìm kiếm bằng cách nào, cũng không ra lời đáp.
Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng.
Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người. Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.