Bạn đọc thân mến!
Thắng lợi to lớn mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau khi quân Mỹ kéo vào miền Nam, đầu năm 1966, tôi được cử vào phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho các chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên.
Sau đó theo quyết định của Bộ Chính trị, tôi ở lại tham gia chiến trường B1 (Khu 5). Từ tháng 10 năm 1967, tôi được cử vào cùng Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo chiến trường B2 (Nam Bộ).
Hiệp định Paris được ký kết, tôi cùng các anh ở B2 ra báo cáo tình hình và dự Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương, sau đó ở lại công tác ở Bộ Tổng Tham mưu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Nhân kỷ niệm lần thứ 10 mùa Xuân đại thắng, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức những ngày kỷ niệm lớn trong hai năm 1984-1985, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân yêu cầu tôi viết cuốn hồi ức này. Qua cuốn sách, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc hoạt động của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quân uỷ Trung ương và của cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong những năm cuối của cuộc chiến tranh, từ năm 1973 đến năm 1975. Hy vọng rằng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp bạn đọc thấy rõ hơn tài thao lược của Đảng ta trong giai đoạn quyết định thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng trong những năm 1973-1975 là một trong những nhân tố quyết định đưa đến Mùa Xuân đại thắng.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trước âm mưu và hành động của Mỹ – nguỵ công khai trắng trợn phá hoại Hiệp định, Đảng ta đã phân tích tình hình một cách khách quan, khoa học để xác định đúng đắn phương hướng đi lên của cách mạng miền Nam. Suốt trong hai năm 1973-1974, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta vừa kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của Mỹ – nguỵ, vừa kiên quyết tạo thế mới, lực mới ngày càng có lợi cho ta cả ở hậu phương lớn miền Bắc trên đường vận chuyển chiến lược và nhất là ở tiền tuyến lớn miền Nam. Với thế mới, lực mới đã được chuẩn bị để đón thời cơ chiến lược, bước vào mùa khô 1974-1975, Đảng rất nhạy bén phát hiện nhân tố mới xuất hiện trên chiến trường, khẳng định thời cơ chiến lược đã chín muồi, nên kịp thời hạ quyết tâm chiến lược chính xác và táo bạo đẩy nhanh tới cao trào tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam. Mùa xuân năm 1975, nhất là từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, trong thế chiến lược chung phát triển ngày càng thuận lợi, Đảng ta liên tiếp bổ sung quyết tâm chiến lược nhằm giành thắng lợi lớn nhất, nhanh nhất. Quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các cấp lãnh đạo và chỉ huy các chiến trường vừa chỉ đạo tác chiến, tiêu diệt địch, giải phóng các địa phương, vừa tập trung tinh lực chuẩn bị hết sức khẩn trương để đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, gidi phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén, kịp thời của tập thể Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các địa phương, các chiến trường, các đơn vị đã chủ động, sáng tạo, thừa thắng xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Với kết quả động viên sức người, sức của to lớn của cả nước, bằng ba đòn quyết chiến chiến lược (giải phóng Tây Nguyên, giài phóng Huế – Đà Nẵng, giải phóng Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long), quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch chiến lược hai năm trong vòng hai tháng, giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Do trình độ và thời gian có hạn, lại tập trung nói về hoạt động cửa cơ quan Tổng hành dinh trong giai đoạn kết thúc chiến tranh là chủ yếu, cho nên cuốn sách chỉ đề cập một cách khái quát hoạt động trên các chiến trường, cũng như các mặt hoạt động khác trong phạm vi cả nước.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan tổng kết chiến tranh và nghiên cứu lịch sử ở Trung ương, ở Khu 5, Phân viện lịch sử quân sự ở phía Nam và nhiều đồng chí khác đã giúp đỡ tư liệu và góp nhiểu ý kiến quý báu, trong quá trình chuẩn bị và viết cuốn sách này.
Cũng do trình độ và thời gian có hạn, phạm vi đề tài tuy đã giới hạn nhưng vẫn rất rộng lớn, cuốn sảch chắc chắn không tránh khổi thiếu sót và nhược điểm. Rất mong được sự góp ý của đông đảo bạn đọc.