Mặc dầu sống trong đời Âu hóa nầy, không biết Khổng giáo cũng không phải là người Việt Nam. Nho giáo là sách của Trần tiên sanh đã dùng thức lực và lắm công phu nghiên cứu mà soạn ra, mọi người Việt Nam đều nên đọc.
Nho giáo là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu của nhà văn hóa, nhà sử học Trần Trọng Kim được in lần đầu vào những năm 30 của thế kỷ XX. Trong những bộ khảo luận về Nho học xuất bản ở nước ta cho tới nay, bộ Nho giáo của Lê thần Trần Trọng Kim vẫn được đánh giá cao. Đây là một trong số không nhiều cuốn sách ra đời sớm nhất thời hiện đại nghiên cứu về Nho giáo Trung Hoa và tầm ảnh hưởng lớn lao của nó trong đời sống văn hóa Việt Nam ta hàng nghìn năm nay.
Ở Việt Nam Nho giáo có dấu ấn rất sâu đậm trong nhiều mặt của đời sống. Nghiên cứu Nho học hay Nho giáo là để thấy cái hay cái dỡ, cái thái quá và cái bất cập, thấy Nho giáo xưa còn lại đến ngày hôm nay, mức độ và màu sắc thế nào, đó là điều rất cần thiết để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ hơn mười năm nay, một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về văn hóa, lịch sử của Trần Trọng Kim đã lại có dịp đến với bạn đọc rộng rãi. Đó là việc làm cần thiết với mục đích tốt đẹp góp phần bảo vệ và phát huy vốn văn hóa cổ truyền, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nội dung bộ Nho Giáo của Trần Trọng Kim
Trước hết ta phải phục cái sự xếp đặt trong cuốn Nho giáo là rất khéo. Chia làm tám chương:
- Chương I, nói về thượng cổ thời đại, kể cái tình trạng xã hội Tàu và cái triết học thuở xưa, là cái nền Nho giáo bởi đó lập lên.
- Chương II, nói về Xuân Thu thời đại và Khổng phu tử, đặng cho biết Nho giáo cũng là theo sự cần dùng của thời đại mà xuất hiện, y như cái luật nhân quả.
- Chương III, nói về học thuyết của Khổng phu tử, mà Hình nhi thượng học là cái học về phần huyền diệu.
- Chương IV, nói về Hình nhi hạ học, là cái học về phần đời.
- Chương V, nói về những sách Khổng phu tử.
- Chương VI, nói về môn đệ Khổng phu tử, tức là những học trò của ngài.
- Chương VII, nói về Chiến Quốc thời đại, các học phái của Nho giáo, tức là cái học phái do từ Khổng phu tử mà chia ra.
- Chương VIII, nói về Mạnh tử, là người tiếp lấy chơn truyền của Khổng phu tử.
Trong tám chương ấy có chương III và IV là trọng yếu hơn hết. Chính cái thống hệ của Khổng học là ở đó. Khổng Tử thường xưng cái đạo của mình là nhứt quán, tức là phần hình nhi thượng học và phần hình nhi hạ học xâu suất cùng nhau làm một vậy. Thiệt Trần tiên sanh đã móc cái chỗ tinh vi của đạo ngài ra cho thiên hạ cùng xem.
Tóm lại, một cuốn sách nói về Nho giáo tường tận tinh tế như vầy, thiệt là trong cõi Việt Nam ta từ xưa đến nay chưa hề có. Mà cũng chỉ có người nào đã chịu phép bóp-tem của khoa học như Trần quân thì mới nói được ra. Cho nên, công việc nầy, nói thì mích lòng, đâu có thể trông mong được ở những nhà nho cổ hủ!