1. CON NGƯỜI AI CŨNG THÍCH ĐƯỢC GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI KHÁC
Một em bé mới 2 tháng tuổi, chưa biết thế nào là ý thức xã hội, tính giai cấp, nhưng chắc chắn bé sẽ mỉm cười, nếu mẹ nó “nói chuyện” với nó. Một cụ già đang loay hoay với chậu cây cảnh tưởng chừng không có gì trên đời thú vị hơn, vậy mà bạn thử lân la hỏi chuyện về cây cảnh đó xem, cụ sẵn sàng chia sẻ với bạn cả buổi, sẵn sàng tiếp bạn cởi mở và chân tình.
Nhu cầu giao tiếp với người khác là nhu cầu thường trực ở mỗi người. Không phải chỉ có các em bé mới thích rủ nhau đi chơi, các bạn thanh niên cũng rất thích tụ hội. Hàng năm, thanh niên rất thích đi dự hội ở các đền chùa. Tại sao họ không chọn thời điểm không có một ai đến thăm để đi, nếu họ chỉ có nhu cầu ngắm cảnh. Còn đối với các cụ già, có lẽ không gì sướng bằng được ngồi bên bàn trà, có ly rượu, chuyện phiếm về một thời quá khứ.
Vì bản chất con người là thích giao tiếp với người khác, nên có lẽ điều con người sợ nhất là nỗi cô đơn. Căn bệnh Sida đang được coi là thảm họa của nhân loại hiện nay, nhưng chúng ta hy vọng một ngày không xa có thể tìm ra loại thuốc đặc trị và nếu bạn biết cách cắt đứt các con đường lây lan thì có thể hoàn toàn yên tâm. Còn căn bệnh cô đơn muốn ngăn chặn nó thật không dễ dàng. Nỗi cô đơn luôn tồn tại trong mỗi con người, nó trường tồn cùng với con người, gặm nhấm dần sinh lực của bạn. Say sưa làm việc tưởng quên hết mọi thứ trên đời như nhà triết học Herbert Spencer, vậy mà vài ngày trước khi mất, ông ôm trên đùi một chồng 18 cuốn “Triết học tổng hợp”, cảm thấy nó nặng và lạnh quá, nỗi cô đơn bao trùm quanh ông, tự hỏi giá lúc đó có một đứa cháu để ôm có thú vị hơn không?
Không phải ngẫu nhiên mà những con số thống kê cho thấy số người tự tử hàng năm ở nhiều nước (đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển) vì cô đơn, lớn hơn số tử vong vì một căn bệnh hiểm nghèo nào khác.
Biết cách làm cho người khác thoả mãn yêu cầu giao tiếp, nói về những cái mà họ thích là bí quyết đầu tiên trong phép xử thế.
Phần đông chúng ta đều biết điều đó, nhưng khi hành động, khi vào cuộc, chúng ta chỉ nghĩ đến những điều mình muốn, chỉ nói những điều mình thích, mà không nói đến những điều người khác thích.
2. THÍCH NGHE NHỮNG LỜI KHEN NGỢI CÓ CÁNH
Khen ngợi và được khen ngợi là nhu cầu thường trực ở mỗi người.
Alfered Adler, một triết gia trứ danh, trong cuốn sách “Chân nghĩa cuộc đời” của mình viết: “Kẻ nào không quan tâm tới người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều sự khó khăn nhất trong đời mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó”. Có lẽ tất cả những ai yêu “Đắc nhân tâm” đều coi đây là một câu “thần chú”. Nếu bạn hiểu hết ý nghĩa của lời đúc kết đó và luôn tìm mọi cách hành động như thế, thì chắc bạn đã nắm được bí quyết lớn nhất trong thuật xử thế. Dĩ nhiên sự quan tâm đến người khác tuỳ hoàn cảnh, tuỳ mức độ thân tình mà cách thể hiện rất đa dạng: Mỗi cá tính lại cần những mức độ, hình thức quan tâm khác nhau. Nhưng sự quan tâm đó thực sự chỉ gây được thiện cảm ở người khác khi nó hoá thân từ một tấm lòng tốt, chân thực không mang mục đích tìm cách lợi dụng. Bạn thấy ai đó tự nhiên buồn, hay có khó khăn, bạn tìm cách gợi chuyện, hỏi han, chia sẻ những cảm xúc với họ, ngỏ ý giúp họ; một người đang cần cái gì đó mà bạn có hoặc bạn biết, bạn giúp một cách tự nhiên… Nếu làm được như vậy thì trong cuộc hành trình đến tương lai, bạn bớt đi được nhiều trở ngại và thêm được những người bạn tốt.
Trong cái vòng trầm luân của cuộc đời có bốn cái “cạm bẫy” lớn nhất mà đời thường hay mắc:
– Bả lợi.
– Bả danh vọng quyền lực.
– Bả ái tình.
– Đam mê sở thích (cờ bạc, nghiện hút…).
Nhiều người cho rằng muốn làm được việc lớn cần phải dứt bỏ nó. Thương ôi, chính thần Dớt, chúa tể của các Thần, ngự trị ở đỉnh núi O-lem-pơ quyền lực vô biên thế, vậy mà cũng bao phen khốn đốn dưới bàn tay mềm mại của nữ thần ái tình. Một vị Hoà thượng chán ghét đời thường đua chen, đã bỏ lên núi tu tiên, tự cho mình đã thoát tục, bỏ được tính tham lam vốn có ở con người. Một hôm, vị Hoà thượng đó bảo với đệ tử: “Người đời vốn đầy tính tham lam, kẻ ham lợi, người ham danh, họ chỉ thích những lời khen. Ngay những bậc ẩn sĩ, những bậc tu hành cũng mong được người ta biết đến mình, họ muốn giảng kinh thuyết pháp trước đám đông chứ không muốn ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm đạo với đệ tử như chúng ta lúc này đây”. Đệ tử đó đáp: “Bạch thầy, quả thực thầy là bậc duy nhất tuyệt được lòng hám danh ở đời”. Và vị Hoà thượng đó vuốt râu, rung đùi, mỉm cười…