Cuốn sách “Một Vũ Trụ Lạ Thường” của tác giả Robert B.Laughlin đưa ta đến với một thế giới – mà bất ngờ thay, lại chính là thế giới nơi ta đang sống – nơi mà chân không phải được xem như một loại chất rắn, nơi mà âm thanh được lượng tử hoá thành hạt y hệt như các hạt ánh sáng, nơi vật chất có nhiều pha, chứ không chỉ có ba, và nơi mà kim loại thì nom giống như chất lỏng, còn helium siêu lỏng thì lại nom như chất rắn. Đó là một thế giới đầy rẫy những hiện tượng tự nhiên còn cần phải được khám phá. Đây thực sự là một quyển sách gây sốc, vẽ ra trước mắt độc giả một thế giới mới lạ, đẹp và huyền bí một cách trang nhã.
Nhà vật lý đoạt giải Nobel Robert B. Laughlin đã lập luận rằng, ta vẫn chưa chạm được đến hồi kết của khoa học, mà thậm chí còn chưa tiến gần được đến đó. Ta mới chỉ đi tới cuối con đường của một lối suy nghĩ nào đấy theo quy giản luận mà thôi. Nếu thay cho việc tìm kiếm những lý thuyết tối hậu, ta hãy xem xét thế giới của những đặc tính đột sinh – có nghĩa là những đặc tính kiểu như tính rắn và hình dạng của một tinh thể, kết quả có được từ sự tổ chức của một số lượng lớn các nguyên tử – thì đột nhiên những điều huyền bí nhất sẽ trở nên gần gũi dễ hiểu như một cục nước đá hay một hạt muối vậy thôi.
Và rồi Laughlin còn đi xa hơn nữa: những định luật cơ bản nhất của vật lý học – như các định luật chuyển động của Newton hay cơ học lượng tử – hẳn sẽ phải đột sinh. Các định luật này là những đặc tính của những tập hợp vật chất rộng lớn, và khi độ chính xác của chúng được nghiên cứu một cách thật gần cận, chúng sẽ tan biến thành hư không.Laughlin chỉ cho ta thấy vì sao tất thảy những gì ta hằng nghĩ về các định luật cơ bản của vật lý học đều cần phải được thay đổi, và vì sao những điều huyền bí nhất về vật lý học không nằm ở nơi tận cùng của vũ trụ, mà lại nằm hoàn toàn trong tầm tay của chúng ta.