Khi bắt đầu soạn cuốn sách Miếng Bánh Ngon Bị Bỏ Quên vào năm 2006, tôi không có ý định viết Lời nói đầu. Mục đích của tôi là giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu tại sao tình trạng bất cân đối ngày càng gia tăng giữa nhập khẩu và xuất khẩu – cán cân thương mại của nước Mỹ – có thể khiến đồng đôla sụp đổ, buộc người dân Mỹ phải chấp nhận mức sống giảm sút trầm trọng cùng với nhiều năm hi sinh và tái xây dựng. Bảy chương sẽ chỉ ra nhiều nguyên nhân chỉ trong thời gian 20 năm ngắn ngủi, người cho vay lớn nhất thế giới lại trở thành con nợ lớn nhất trong khi dân chúng vẫn tập trung vào những vấn đề khác. Tôi nhận thấy thách thức đặt ra với tôi là phải giúp công chúng nhận thức được cuộc khủng hoảng kinh tế sắp diễn ra mà tôi đã giúp khách hàng của mình chuẩn bị đón nhận trong nhiều năm qua. Trong ba chương cuối, tôi sẽ chia sẻ những chiến lược đầu tư mà hàng nghìn khách hàng là các công ty môi giới đã áp dụng thành công, nhờ đó độc giả có thể tránh được sự sụp đổ của đồng đôla và thu lợi trong giai đoạn tái xây dựng nền kinh tế.
Đó là cuốn sách bạn chuẩn bị đọc. Vậy tại sao còn cần đến Lời nói đầu này?
Lý do là tôi viết phần này vào những ngày cuối cùng của năm 2006 và cuốn sách dự kiến sẽ được xuất bản trong khoảng một tháng tới và mọi người đã bắt đầu bàn tán nhiều về cán cân thương mại. Sau nhiều năm bị lãng quên, đột nhiên nó lại trở thành vấn đề tranh luận của công chúng. Trong khi có mối lo ngại ngày càng lớn rằng đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, thì cũng có quan điểm đối ngược, chủ yếu xuất phát từ Phố Wall với quyền lợi luôn được đảm bảo, rằng thặng dư thương mại là một dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế, rằng tiêu dùng là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đó chỉ là những lý lẽ vô nghĩa, ích kỷ. Nếu bạn tin như vậy thì bạn sẽ thu được lợi ích tối đa từ sự hiểu biết và lời chỉ dẫn mà tôi xin được giới thiệu trong những trang tiếp theo đây.
Sau đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ phức tạp hơn, nhưng ngắn gọn là khó có thể chấp nhận tuyên bố vào cuối tuần trước của Lawrence Kudlow – người chủ trì vui tính của chương trình Kudlow và Khách mời. Mở đầu chương trình, Kudlow chào mừng khán giả, và sau đó trơ trẽn lên giọng: “Tôi thích thâm hụt thương mại. Tại sao ư? Vì chúng tạo ra thặng dư trong tài khoản vốn.”
Về căn bản, bên cạnh một số thành phần khác, cán cân thanh toán – hệ thống ghi sổ lưu trữ các giao dịch giữa các quốc gia – bao gồm tài khoản thương mại là một phần của tài khoản vãng lai chỉ ra giá trị xuất khẩu và nhập khẩu ròng; và tài khoản vốn chỉ ra dòng chảy đầu tư ròng giữa các quốc gia. Mỗi đồng đôla chúng ta thanh toán cho nước ngoài để mua hàng hóa và dịch vụ đều quay trở lại dưới hình thức đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ và các loại tài sản khác, tài khoản này có thể được coi là mặt ngược lại của tài khoản kia. Một đất nước nhập khẩu ròng như nước Mỹ chắc chắn sẽ được bù đắp lại ở cán cân vốn, hay nói cách khác, thâm hụt trong tài khoản thương mại sẽ tạo ra thặng dư trong tài khoản vốn.
Nhưng “thặng dư” ở đây chỉ là một thuật ngữ để ghi sổ với ý nghĩa đơn thuần là có nhiều tiền chảy vào hơn chảy ra. Lý do dòng tiền chảy vào là vì một tài sản, ví dụ như trái phiếu Chính phủ, đã được một ngân hàng nhà nước của nước ngoài mua lại. Tuy nhiên, bán được một trái phiếu không khiến chúng ta giàu có hơn; mà nó lại tạo ra trách nhiệm. Đương nhiên, lúc đầu, sau vụ mua bán, chúng ta sẽ có một khoản tiền trong tay; song đó là khoản tiền chúng ta sẽ phải trả lại kèm lãi.
Như vậy, “thặng dư” là một dấu hiệu tích cực, nhưng thặng dư vốn lại có ý nghĩa trái ngược với thặng dư ngân sách. Các khoản thặng dư có thể là tốt hay xấu. Dư thừa nước dưới bể ngầm trong thời kỳ hạn hán là tốt, nhưng khi nó ở dưới tầng ngầm nhà bạn trong một cơn bão thì quả là tồi tệ.
Larry Kudlow là một người dẫn truyền hình thông minh, và tôi không nói anh ta không hiểu ý nghĩa của từ này. Nhưng theo ý kiến của anh ta, thặng dư vốn là một bằng chứng cho sự tin cậy về khả năng trả nợ của chúng ta. Và rằng chúng ta có thể dựa vào nó để tiếp tục phát triển. Theo tôi, đó chính là điểm sai lầm của anh ta. Các đối tác thương mại của chúng ta hoàn toàn được tự do đầu tư vào bất cứ nơi nào, và đó là điều họ sẽ làm khi họ nhận thấy nước Mỹ – với 8,5 nghìn tỷ đôla nợ được đảm bảo (và 50 nghìn tỷ đôla với các nghĩa vụ không được đảm bảo) kèm theo thâm hụt ngân sách liên tiếp – không còn đáng tin cậy như trước nữa. Họ không còn thu được lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào đây nữa, thị trường của chúng ta đang hoạt động yếu kém hơn tất cả các thị trường lớn khác, và đó là sự thật trong suốt sáu hay bảy năm qua.
Theo tôi, chúng ta có thể lý giải về việc nhu cầu đối với các khoản đầu tư của Chính phủ Mỹ từ phía ngân hàng trung ương các nước khác vẫn tiếp tục gia tăng bằng những động cơ quan liêu, cứng nhắc. Các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đã từ bỏ. Nhưng đối với Phố Wall và những người cổ vũ trên các phương tiện thông tin đại chúng của nó – những người sẽ bị giết nếu thâm hụt thương mại chuyển thành sự bi quan của thị trường – thì “thặng dư vốn” là một thuật ngữ tuyệt vời.
Một lý lẽ khác sắc bén hơn về tác dụng của thâm hụt thương mại được đưa ra trong bài báo có tiêu đề “Chấp nhận thâm hụt” của David Malpass – nhà kinh tế học của Bear Stearn(1) – được đăng trên Wall Street Journal (Thời báo Phố Wall) ngày 21 tháng 12 năm 2006.
Malpass viết khá dài, song lý lẽ của ông ta được tóm tắt ngay trong đoạn mở đầu: “Trong nhiều thập kỷ qua, thâm hụt thương mại đã trở thành mối quan tâm của chính quyền và báo giới, dẫn đến vô số dự đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ. Sự thật không phải như vậy. Nhập khẩu của chúng ta tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế và dân số trong khi xuất khẩu tăng cùng với sự phát triển của các nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt là các nước công nghiệp. Mặc dù bị phê phán là mất cân bằng, nhưng thâm hụt thương mại và dòng chảy vốn liên quan đến nó lại phản ánh sự tăng trưởng – chứ không phải sự yếu kém – của nước Mỹ. Chúng thể hiện mối liên hệ giữa một nước Mỹ trẻ đang phát triển nhanh chóng với những nền kinh tế già cỗi phát triển chậm chạp bên ngoài.”
Do sự tôn trọng đối với Malpass, tôi không thể phản đối ông ta thêm nữa. Quan điểm của ông ta về nhân khẩu học có thể có giá trị nhất định, song ông ta đã phớt lờ sự thật rằng đằng sau thâm hụt thương mại là nền sản xuất đang bị thu hẹp, và ông ta cũng phụ thuộc quá nhiều vào lý lẽ phổ biến nhưng sai lầm rằng giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao có thể bị nhầm lẫn với tỷ lệ tiết kiệm giảm, trong khi chúng ta biết rằng giá cả tăng thể hiện giá trị của tiền giấy và nhà đất đang bị thổi phồng. Ông ta đã nhầm lẫn tiêu dùng với tăng trưởng và tin rằng lợi tức cạnh tranh đồng nghĩa với đầu tư nước ngoài gia tăng dù chúng ta đều nhận thấy thị trường của chúng ta đang hoạt động quá tồi so với các nước lớn khác khi xét đến yếu tố tỷ giá hối đoái. Quan điểm của ông ta về lạm phát đã bỏ qua những chính sách tiền tệ trước đây. Tôi có thể tiếp tục, nhưng có lẽ nên nói trước rằng toàn bộ cuốn sách này là sự bác bỏ quan điểm của ông ta. Bài báo của ông ta là một ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực đơn độc của Phố Wall nhằm đánh bóng hình ảnh của nền kinh tế.