Bấy lâu, đối với lịch-sử Việt-nam, tôi thường chủ trương : nên khảo dần từng thời kỳ một. Khi nào tài liệu đầy đủ, đại thể phác xong, bấy giờ mới bắt tay viết hẳn toàn bộ ; nếu một người không viết kịp thì nhiều người khác sẽ viết thay, thế hệ này không làm xong thì thế hệ sau sẽ làm trọn.
Vì sao ? Vì công việc làm sử ở Việt-nam khác với ở nhiều nước khác. Ở họ, có đủ điều kiện thuận tiện, sử liệu sẵn sàng, sử gia chỉ cần lặt lượm tài liệu, ghi chép tinh tường với một phương pháp thật vững chắc : thế là một người có thể viết được một bộ sử thật đầy đủ.
Còn ở Việt-nam, chỉ nội mấy việc tìm tòi sử liệu, lựa chọn sử liệu, phê phán sử liệu, cũng đủ tốn bao công phu, hao bao thì giờ rồi. Thêm nỗi những triều đại bị xóa nhòa dấu-tích, như nhà Hồ (1400-1407), nhà Mạc (1527-1592) và nhất là nhà Tây-sơn (1778-1802), lại càng phải dụng công lắm mới kê cứu được đôi chút ngạnh khái. Hơn nữa, những hồi loạn lạc như cuối Trần [1], cuối Lê [2], cuối Tây-sơn [3], cuối Tự-đức [4] lại chính là những đoạn sử tối quan trọng càng phải khảo kỹ hơn.
Vả, lịch-sử bây giờ đã thành một khoa học, mà là một khoa học tất yếu và rất hệ trọng của người đời. Nó dính-líu mật-thiết với các khoa học khác như khảo cổ học, địa chất học, địa lý học, nhân loại học, nhân chủng học, xã hội học, chính trị học, pháp luật học, kinh tế học, ngữ học, văn học, mỹ học…
Tài liệu làm sử, ngoài những sách xưa, sử cũ, báo chí cổ kim, công văn, tư khế, còn phải cần đến đồ đào được, chữ cổ, bia cổ, tiền cổ, kiến trúc vật và hết thảy những cái có liên quan đến cuộc sinh hoạt chung, tiến hóa chung của một xã hội.
Vậy bấy nhiêu công việc ấy, đòi hỏi ở một người thì biết làm sao ?
Phương chi, hiện nay, khói lửa còn mịt mờ, máu xương đang lênh-láng, đường giao thông chưa thuận tiện, cuộc bang giao chưa thiết lập được xong tất cả, tóm lại, hoàn cảnh và điều kiện đều chưa đầy đủ và dễ dàng, phỏng ai dám nói, trong lúc này, có thể viết được bộ sử Việt-nam thật hoàn thiện ?
Nghĩ vậy, trước giờ tôi vẫn theo đuổi con đường đã vạch : viết dần từng thời đại, hoặc từng nhân vật hay từng sự kiện lịch-sử, mong góp chút tài liệu vào kho sử học chung, chứ chưa dám nghĩ đến việc trọng đại và khó khăn là khởi thảo cả một bộ sử.
Nhưng, thời cục đã biến chuyển dồn dập và nhanh chóng. Từ ngày 18 tháng chạp năm 1946 đến giờ, cuộc binh-cách đã thiêu hủy và tàn phá biết bao sử sách của ta, khiến cho tư gia cũng như trường học, chỗ nào cũng thấy thiếu sách, nhất là về loại sử học Việt-nam. Vì thế, nhiều bạn thúc đẩy tôi ráng viết lấy một bộ sử Việt-nam để tạm ứng phó cho sự nhu cầu hiện tại. Cũng vì thế, tôi mới đánh bạo vừa viết vừa cho bản cảo ra dần từng tập để chất chính cùng các bậc cao minh trong nước và hải ngoại.
Nhan là LỊCH-SỬ XÃ-HỘI VIỆT-NAM, kẻ viết có ý nhấn mạnh rằng bộ sử này chú trọng vào quá-trình diễn tiến của cả dân tộc, vào quan hệ sinh sản của toàn thể dân chúng, cốt ghi cái gì là quốc kế, là dân sinh, là tổng động lực đã quay chuyển bộ máy tiến hóa chung của cả một xã hội…
Bộ sử này nếu không phải riêng của các triều đại, riêng của thiểu số anh hùng [5], riêng của phái thống trị, phe chiến thắng, và nếu may ra đạt được mục đích là lấy dân chúng làm trung tâm, đánh dấu được đôi chút tính chất xã hội và lịch trình tiến hóa của Việt-nam thì đó là nhờ ở sự hỗ trợ của toàn thể xã hội.
Về phần tác giả, chỉ thành thực mong rằng chút ít sử liệu trình bày trong bộ LỊCH-SỬ XÃ-HỘI VIỆT-NAM này nếu hân hạnh được trực tiếp hoặc gián tiếp giúp một phần nào vào công cuộc của những ai sau đây đứng làm một pho sử Việt-nam với phương pháp hoàn toàn khoa học hơn và với quan điểm tiền tiến mới mẻ hơn thì thật là một khuyến khích lớn cho kẻ viết.
Giờ làm việc đã điểm. Trước hết hãy xin ra mắt các bạn độc giả tập I, phần Đạo luận, tức là phần mở đầu khái luận về một vài vấn đề lịch sử quan trọng. Rồi từ tập II trở đi mới bắt đầu vào dần chính sử.
HOÀNG THÚC-TRÂM
Rằm tháng năm, Canh-dần
(29 tháng sáu, 1950)
[1] Kể từ đời Trần Nghệ-tông đến hết Hậu Trần (1370-1413).
[2] Kể từ đời Lê Trung-hưng (1592-1789).
[3] Kể từ năm vua Quang-trung mất đến năm vua Bảo-hưng (Nguyễn Quang-Toản) bị bắt (1792-1802).
[4] Kể từ năm có tiếng súng tây-dương nổ ở cửa Đà-nẵng đến năm ký hiệp ước Patenôtre (1858-1884).
[5] Tôi chỉ thừa nhận anh hùng là những người đóng vai lãnh đạo, đi sát với dân chúng, làm việc tiến hóa chung của một xã hội.