Côn Lôn là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta, “nguy nga đứng trấn giữa biển Đông” (Đại Nam nhất thống chí), bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích là 76,71km2. Sử sách nước ta xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất là đảo Côn Lôn (gọi tắt là Côn Đảo). Từ khi Pháp thiết lập nhà tù, Côn Đảo không còn dân thường. Không kể tù nhân, bộ máy cai trị (kể cả gia quyến họ) trước Cách mạng tháng Tám (1945) không đến 500 người.
Dưới con mắt của bọn thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù: Bốn bề trời biển mênh mông, cách đất liền gần trăm hải lý, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù…
Côn Đảo hoang vắng, không như nhà tù ở các điểm dân cư lớn trong đất liền như Hỏa Lò ở Hà Nội, Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên ở đây có thể thi hành những biện pháp đàn áp dã man, tàn bạo nhất, người tù có đấu tranh mạnh mẽ tới đâu đi nữa cũng không thể gây được ảnh hưởng gì. Bọn cai ngục có thể thẳng tay giết hại người tù mà không ai hay biết. Chẳng thế, bọn thực dân đã đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho sóng biển nghe!”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập!”.