Tập võ, đánh cờ tướng, tắm hơi, câu cá, chơi hoa kiểng, tìm lạc thú yêu đương, du lịch, uống rượu với bạn, đọc sách về Thiền… là những phương thức có hiệu quả để tìm sự thoải mái, thấy mình được hạnh phúc, không còn cô độc trong xã hội phức tạp mà con người như càng cô độc. Thiết tưởng những hình thức “tu luyện” nói trên tuy hữu hiệu nhưng chỉ là giải trí nhất thời. Có lẽ ta nên đọc sử, đặc biệt là lịch sử nước nhà. Lúc sau này những danh từ “Về nguồn, tìm dân tộc” thường được nhắc đến. Nhưng về nguồn không chỉ để thưởng ngoạn là xong. Mỗi hình thức văn nghệ, mỗi vũ điệu, mỗi lá cây chỉ đẹp trong bối cảnh lớn của nó. Cái vỏ sò, vỏ ốc nằm trên bãi cát bao la đại dương ngoài xa, biển không một cánh buồm và bãi cát không in dấu chân người. Hoa sen ở trong đầm, giữa biển cỏ hoặc trong ruộng lúa bát ngát, với em bé ở trần, bơi xuồng, bụng hơi đói. Ta chỉ hết cô độc, hêt bị căng thẳng thần kinh khi tìm ra cái cớ để giải thích nỗi buồn vô cớ. Cái cớ ấy có lẽ ta chưa hòa hợp, dính liền được với bối cảnh hiện tại, như cái vỏ ốc trên bãi, hoặc bông sen dính rễ dưới bùn. Chúng ta đang sống trong lịch sử, và hiện tại quả là dính dấp với quá khứ. Nói gì thì nói, khi tìm hiểu một người, người ta phải làm công việc cần thiết là sưu tra lý lịch. Và người Việt nam, không thể nào hãnh diện đúng mức khi đọc tiểu sử của ông Hoa Thịnh Đốn, ông Nã Phá Luân hoặc ông Khổng, ông Thích ca, mặc dầu đó là những người “của nhân loại”. Đọc sách lịch sử Tây tiến ở Mỹ Quốc, xem phim về anh hùng phiêu lưu khẩn hoang là những phút mua vui hoặc nghiên cứu đứt đoạn. Không thể nào dùng lịch sử của nước khác để làm lịch sử của mình được. Ta trở về với bối cảnh của ta. Trở về, lại là hành động tích cực chớ không là thưởng ngoạn, thụ động. Đi ngang vùng đất ngày xưa là thành Chí Hòa, ngắm những đám cỏ xanh rờn vừa vươn lên khi mùa mưa trở về, ta không khởi ngậm ngùi; nhưng bứng vài cụm cỏ trên nền đất đầy máu và nước mắt ấy đem về trồng trong chậu thì hóa ra vô duyên, tạm thời giải khây được nhưng tạo ra một sự cô độc mới. Đến vùng Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, ngâm câu thơ “Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng” của ông Học Lạc vẫn là chưa đủ, cũng như khi qua đò máy Mỹ Thuận hoặc đò máy Vàm Cống vào buổi có mưa lất phất, tưởng rằng cảnh đẹp “Khói sóng Tiêu Tương” hiện về. Phải là một sự chuyển mình nhập thân vào bối cảnh mới. Ngày xưa là bóng dáng thằng bé chăn trâu, lưng trần phơi nắng, thất học, ngày nay, ngày mai, bối cảnh là ruộng lúa, máy cày và hoa màu phụ.
Đầu đề LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM quá lớn, đòi hỏi sự làm việc cần cù, kiên nhẫn, lâu dài của một tiểu ban, một nhóm có thẩm quyền. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi đánh bạo, thử vạch một lối để trèo núi cao. Chắc chắn là có nhiều lối khác để đi tới đỉnh núi. Chúng tôi chỉ có hy vọng là dẹp một mớ sỏi gai, để thấy bóng dáng đỉnh núi. Tài năng, kiến thức, và thời giờ làm việc của một người chỉ có hạn, cũng may là được giúp đỡ tận tình, đặc biệt của các viên chức ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Khảo cổ, Thư viện Hội Cổ học Ấn-Hoa. Một số bạn đã giúp đỡ vài tài liệu quan trọng.
Dám mong độc giả xem đây là bản khởi thảo. Sau này, đất nước hòa bình, phương tiện dồi dào, nhiều vị thức giả và các bạn trẻ hiếu học sẽ đi sâu vào đề tài nầy để những đức tánh lớn của dân Việt được phát hiện bi hùng hơn, gần sự thật hơn.
Tháng 7 năm 1973
Sơn Nam