Nói tới ăn mày là nói tới một tầng lớp luôn luôn bị xếp vào nấc thang cuối cùng trong thang bậc giá trị của mọi xã hội, một nhóm xã hội nếu không bất lương thì cũng bất hảo. Bởi vì trong đó tuy cũng có một số người không may lâm vào tình cảnh đói rét khốn cùng không còn cách nào để mưu sinh nên bất đắc dĩ phải làm ăn mày, nhưng theo với sự phân hóa xã hội mà một trong những động lực là kinh tế hàng hóa, ăn mày đã phát triển theo hướng chức nghiệp hóa đồng thời lưu manh hóa. Nhóm xã hội này vì vậy hiện không chỉ là một lực lượng sống nhờ ăn bám xã hội mà còn là đội dự bị quan trọng, căn cứ địa vững chắc của nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc ma túy, trộm cướp lưu manh… Tuy nhiên, ăn mày không chỉ là một tệ nạn xã hội, một hiện tượng nhất thời mà còn là một yếu tố nảy sinh từ tình trạng không hoàn thiện mang tính quy luật trong sự phát triển của xã hội. Việc nghiên cứu một cách nghiêm túc và thấu đáo về nhóm xã hội này từ góc độ cấu trúc xã hội là vấn đề cần thiết và cấp bách đối với hoạt động ngăn chặn, bài trừ, đẩy lùi và tiêu diệt tệ nạn ăn mày, bảo vệ môi trường sinh thái xã hội hiện nay.
Khất cái sử (Lịch sử ăn mày) của Khúc Ngạn Bân là một công trình nghiên cứu về ăn mày ở Trung Quốc theo định hướng học thuật và thực tiễn ấy. Trong cuốn sách này, tác giả đã chỉ ra sự kết hợp giữa ý thức lưu manh với tài khéo của bọn ăn mày lang thang trong cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa… Mặc dù các cứ liệu được khảo sát và dẫn chứng lấy từ lịch sử Trung Quốc, công trình này vẫn có những giá trị thực tiễn nhất định, là một tác phẩm bổ ích về cả kiến thức lẫn nhận thức không những với người đọc Trung Quốc mà còn cả với người đọc Việt Nam hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.