Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng kể về tuổi trẻ chí cao của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản , đã cung quân tướng nhà Trần lập nhiều chiiến công trong cuộc chiên chống quân Nguyên.
Nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản cùng với lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: Phá cường địch báo hoàng ân vào hai địa bàn chiến trận – đó là cuộc chiến diễn ra ở miền núi, với sự sát cánh cùng anh em Thế Lộc ở trại Ma Lục; và cuộc chiến diễn ra trên sông cùng với đại quân nhà Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy, với Toa Đô…
Trên hai không gian mang đặc thù cảnh quan của đất nước Việt Nam, hiện lên chân dung oanh liệt của một nhân vật lịch sử nhỏ tuổi xứng đáng là sự nối dài của Thánh Gióng trong cuộc chiến chống giặc Ân nhiều nghìn năm trước. Mở đầu truyện là giấc mơ của Toản bắt sống được tên sứ ngông nghênh, ngạo mạn Sài Thung; và kết thúc truyện là cảnh Toản cùng đại quân đánh bại Toa Đô trên sông, rồi lại tiếp tục cuộc rượt đuổi trên bộ với giọng văn tưng bừng, hào sảng
Hoài Văn tuổi trẻ chí cao
Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công
(Quốc sử diễn ca)
I
Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vừa có một giấc mơ thú vị. Chàng mê thấy chính tay mình bắt sống được Sài Thung, tên sứ hống hách của nhà Nguyên, khinh nước Nam bằng nửa con mắt.
Tháng trước, Sài Thung sang sứ, tự tiện qua Tử Cấm thành, ngang nhiên cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Lính canh cửa ngăn lại thì Thung cầm roi ngựa quất túi bụi vào đầu người lính. Nó ỷ thế là quan nước lớn, chễm chệ ngồi ở quán sứ như ở nhà nó không bằng. Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là bậc đại thần to nhất nước, đến quán sứ xin yết kiến. Sài Thung nằm trên giường, không thèm tiếp vị tể tướng của ta. Rồi nó bắt quan gia phải sang chầu Hốt Tất Liệt. Nó đòi ta phải cống bạc vàng, châu báu, đòi phải nộp người có tài khéo nghề tinh. Ai nấy đều bầm gan tím ruột. Nhưng vì không muốn để xảy ra chuyện can qua nên ai nấy đành nuốt cay ngậm đắng. Hoài Văn thì không chịu được. Hoài Văn chỉ nghĩ làm sao bắt được Sài Thung mà chẻ xác nó ra…
Hoài Văn bắt được nó mà từ quan gia đến triều đình đều không ai biết. Hầu trói nó lại, đập roi ngựa lên đầu nó, và quát lớn: – Mày có còn dám đánh người chúng tao nữa không? Đừng có khinh nước Nam tao bé nhỏ!
Sài Thung lạy Hoài Văn như tế sao. Hoài Văn đóng cũi giải nó về kinh. Thấy nó khóc lóc, Hoài Văn ôm bụng cười sặc sặc. Giữa lúc ấy thì chàng bừng tỉnh giấc. Chàng không thấy Sài Thung đâu cả, chỉ thấy mình vẫn nằm trong điện Lan Đình.
Trần Quốc Toản giụi mắt, gạt tung cái chăn bông bọc vóc vàng và ngồi nhỏm dậy. Nội điện im ắng lạ thường. Quan gia và các vương hầu đâu cả? Mẩu nến đỏ trên cây nến đồng đặt trên một cái đôn men xanh kê ở gian giữa, còn cháy leo lét run rẩy trong ánh sáng buổi sớm đã tràn vào. Màn the lớn căng từ tường hoa ra tới gần cửa, nơi kê cái sập của Hoài Văn Hầu, vẫn còn rủ xuống. Gian bên kia, màn the cũng buông kín. Nhưng các chăn vóc thì đều lật tung, để lộ những nệm gấm giải sát vào nhau trên những sập rồng kê liền lại. Những cột rồng, những câu đối, hoành phi, những bức cửa võng lấp lánh son vàng. Hoài Văn như còn nghe văng vẳng tiếng nói chuyện của quan gia và các vương hầu, kéo dài mãi đến quá canh hai chưa dứt.
Chiêu Thành Vương về kinh, hai chú cháu được quan gia giữ lại trong cung cấm. Hầu được cùng ăn uống với quan gia và các vị vương hầu. Tối thì trải gối dài, chăn rộng, kê giường nằm chung, thật là bốn bể một nhà, không phân trên dưới. ›n ấy, dù cho óc gan lầy đất, Hoài Văn phải nghĩ mà báo đáp. Khốn nỗi, chàng cứ bị coi là đứa trẻ con chưa ráo máu đầu. Mỗi khi Hoài Văn len vào góp chuyện thì các vương hầu nói:
– Cháu còn nhỏ, chưa biết được việc quân quốc trọng sự.
Nể các vị chú bác, Hoài Văn đỏ mặt làm thinh. Một hôm, Quốc Toản đánh liều thưa: – Cháu còn ít tuổi thật. Nhưng ví bằng quân Nguyên sang cướp nước ta, thì cháu cũng xin theo các chú, các bác đi đánh giặc.
Các vị vương hầu cười ồ. Chú Chiêu Thành Vương nói:
– Cháu có khẩu khí anh hùng. Thế mới là dòng dõi họ Đông A. Nhưng bây giờ thì cháu phải học đã, sao cho văn hay, võ giỏi rồi mới đi đánh giặc được.
Các vương hầu lại quay vào việc nước, chẳng để ý đến Hoài Văn. Và sớm nay, quan gia và các vương hầu đột ngột đi đâu đâu mà không cho Hầu biết? Nhìn cái nội điện vắng ngắt, Hoài Văn tức đến phát khóc. Chàng mở toang các cánh cửa thâm nghiêm, nhảy xuống thềm. Được rồi! Các vương hầu ở đâu, ta tìm đến đó. Việc nước là việc chung, không cho bàn, ta cũng cứ bàn. Thử xem gan ai to, gươm ai sắc. Xem ta có lấy được đầu tướng giặc hay không?