Người ta bảo, trí thức là người thích mua dây buộc mình, lo toàn những chuyện không ai khiến lo. Đọc Lương Hoài Nam, tôi thấy anh đúng là tuýp người có cái tâm như vậy. Ngay những chuyện anh bàn về hàng không – lĩnh vực mà anh được đào tạo bài bản và phụng sự suốt mấy chục năm trời – không phải chuyện nào cũng liên quan đến chức phận của anh. Với ngành giáo dục, anh chỉ là “sản phẩm và khách hàng” như anh tự nhận trong một bài viết, mà nói cho đúng, anh chỉ là “cựu khách hàng”, vì các con anh đều đã chọn con đường du học nước ngoài, nhưng anh vẫn nhiệt tâm nghiên cứu sâu về giáo dục và có nhiều đề xuất, giải pháp khá thuyết phục. Anh còn mở rộng mối quan tâm của mình đến những vấn đề lớn về kinh tế – xã hội, từ nợ công, kinh doanh bất động sản, tới đường lối phát triển kinh tế, đổi mới nếp sống, nếp nghĩ của người Việt Nam để nâng cao vị thế của đất nước trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế,…
Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt là Lương Hoài Nam không (hoặc không chỉ) chia sẻ những mối bận tâm với bạn bè, đồng nghiệp bên bàn trà. Hơn 10 năm nay, anh đều đặn viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí để bày tỏ chính kiến của mình về những chuyện lẽ ra có thể yên tâm là có người khác lo rồi. Và cơ duyên với báo chí (bản thân anh từng là Tổng biên tập Tạp chí Heritage của Vietnam Airlines) đã đưa những ý kiến xây dựng của anh đến với công chúng.
Đọc lại những bài viết của Lương Hoài Nam được tuyển chọn trong tập sách này, tôi rất mừng vì tập sách tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với các bài viết của anh một cách hệ thống. Tôi cũng như một số bạn đọc khác có thể không nghĩ như tác giả Lương Hoài Nam về một vài vấn đề nào đó. Tuy vậy, phải nói ở lĩnh vực nào, vấn đề nào, Lương Hoài Nam cũng có những phát hiện riêng, đề xuất được những giải pháp riêng. Điều đáng quý là đa phần những phát hiện và giải pháp đó đều dựa trên khảo cứu, trải nghiệm, có số liệu và ví dụ thực tế minh chứng cập nhật, chứ không phải là sản phẩm của óc tư biện, mặc dù lập luận trong nhiều bài viết cho thấy anh là người có đủ khả năng đưa ra những nhận xét và đề xuất chỉ dựa trên tư duy sắc bén của mình. Điều đáng quý hơn nữa là tất cả nhận xét, phê bình, góp ý, đề xuất của tác giả, kể cả một vài điều có thể bị coi là “nghịch nhĩ”, “động chạm” đều xuất phát từ cái tâm của một người luôn trăn trở vì lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng.
Tôi thích các bài Từ lũy tre làng ra biển lớn và Nhận thức về “Tây học”; Nếu chúng ta muốn; Hoa hậu, bóng đá và nỗi nhục chẳng liên quan; Tinh thần doanh nhân kiểu Mỹ và sứ mệnh cà phê Việt… Điều chinh phục tôi trong những bài viết này là óc quan sát sắc sảo và thái độ thẳng thắn của Lương Hoài Nam. Anh phát hiện ra cái bất bình thường trong những chuyện số đông cho là rất bình thường, để từ đó đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc và thay đổi.
Viết đến đây, tôi nhớ Thầy học của tôi, GS. NGND. Nguyễn Tài Cẩn, lúc sinh thời Thầy thường tâm sự: “Tôi ngại nhất là hướng dẫn sinh viên giỏi làm luận văn, vì các cô cậu ấy thuộc bài quá, gặp vấn đề gì cũng xếp vào được những cái khung lý thuyết đã có sẵn rồi. Tôi thích hướng dẫn những người biết ngạc nhiên hơn.” Tôi hiểu đó là những kinh nghiệm chắt lọc từ một đời nghiên cứu khoa học và dạy học của Thầy – một nhà khoa học, nhà sư phạm xuất chúng, và cũng là những lời nhắc nhở lớp học trò chúng tôi lúc đó. Và đến tuổi này, tôi tin là mình đã thấm được tinh thần ấy: Biết ngạc nhiên để nghĩ lại cả những điều tưởng chừng là “thiên kinh địa nghĩa”, những tập quán lâu đời, đó là cơ sở để làm khoa học, cũng là cơ sở để mỗi người, mỗi ngành đổi mới và tiến bộ, để đất nước kịp “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của toàn dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên trong bức thư của Chủ tịch gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.