Phong thủy là gì?
Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người. Phong thủy không phải là yếu tố đơn lẻ mà là tổng hợp hàng loạt yếu tố về địa hình địa thế xung quanh nhà ở, thôn xóm, thành phố hoặc mồ mả, hướng gió, dòng nước cùng tọa hướng, hình dạng, bố cục mặt bằng không gian xây dựng.
Phong thủy liên quan đến cát hung, họa phúc, thọ yểu, sự cùng thông của nhân sự. Cát ắt là phong thủy hợp, hung ắt là phong thủy không hợp. Sách Táng thư viết: “Mai táng phải chọn nơi có sinh khí. Kinh viết: Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) ngăn thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do vậy mà có tên là “phong thủy”. Hai chữ phong thủy còn chỉ phương pháp tìm kiếm và chọn lựa nơi trú ngụ hoặc mai táng cát tường phú quý, phúc thọ bình yên, tức là thuật Phong thủy. Giống như mọi ngành khoa học kĩ thuật cổ truyền khác ở Á Đông, thuật phong thủy cũng dựa vào dịch lí, thuyết âm dương, ngũ hành.
Phong thủy chia làm hai lĩnh vực:
Âm trạch: Là cuộc đất dùng để chôn người chết, còn gọi là mồ mả. Phong thủy cho rằng, nếu người chết được chôn vào một cuộc đất tốt về phong thủy thì sẽ truyền được phúc đức cho con cháu đời sau.
Dương trạch: Là cuộc đất được dùng vào mục đích làm nhà cửa, đình, chùa, miếu mạo, thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố. Dương trạch phải hài hòa với thiên nhiên, có môi trường tốt đẹp, làm cho con người thấy vui tươi, mạnh khỏe, hạnh phúc. Dương trạch tốt tức là môi trường tốt. Người xưa quan niệm số mệnh của một con người không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó (tức giờ ngày, tháng, năm sinh) mà còn chịu ảnh hưởng của âm phần và dương phần nên có câu “Nhất mộ, nhì phòng, tam bát tự”. Phong thủy có vai trò rất to lớn, tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ, có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn mệnh vận. Nó là nhân tố quyết định sự thành bại. Nếu phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai hoạ khi vào vận xấu, giúp gia tăng sự thành công và may mắn khi vào vận tốt. Về dương trạch, tức phong thủy của nhà ở, những vấn đề cần xét có rất nhiều như huyệt vị, làm nhà, hướng nhà, cấu trúc nhà, nội thất, …
Cần phải xét tất cả các yếu tố mới làm thành phong thủy tốt cho ngôi nhà. Xét về nguyện lí cơ bản thì phong thủy âm trạch và phong thủy dương trạch có nhiều điểm tương đồng. Ở khía cạnh mộ phần của người chết và nhà ở của người sống thì âm dương cách biệt, không giống nhau. Vì thế kỹ thuật ứng dụng trong âm trạch và dương trạch cũng khác nhau.
Từ xa xưa khi còn sống trong môi trường còn vô cùng hoang sơ, con người chưa thể có phương tiện gì để chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên ngoài sức lực nhỏ bé của mình. Nhưng, khi phải đối mặt với những biến động của thiên nhiên cũng như những hiểm nguy trong sinh tồn, con người đã luôn biết cách tự bảo vệ mình, điều đó thúc đẩy ý thức rằng không gian mà họ đang sống phải hướng tới những giá trị lâu dài.
Các công trình kiến trúc là sản phẩm do con người tạo ra để tránh những nguy hiểm từ môi trường xung quanh, coi đó là nơi an toàn để bảo vệ mình, đã để lại các giá trị vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt trong văn hóa Phương Đông, người ta coi nơi cư trú là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc đời của mỗi con người. Vì thế, song hành cùng các yếu tố và tiêu chuản kĩ thuật trong xây dựng, người phương Đông còn rất đề cao giá trị của Phong thủy, nhằm tạo cho những công trình xây dựng có được yếu tố hài hòa với quy luật của vũ trụ, tác động tốt nhất tới đời sống từ đó hướng đến sự tồn tại vững bền mà con người hằng mong muốn.
Hiểu một cách đơn giản theo quá trình hình thành sơ khai của Phong thủy thì đây là phương pháp chọn vị trí xây dựng, nơi cư trú thuận theo tự nhiên, hướng gió, hướng khí, mạch nước, địa hình, địa thế, bố cục mặt bằng… sao cho phù hợp; vì đây là các yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới hoạt động của con người. Điều này thể hiện trong nhiều câu thành ngữ dân gian nói lên những kinh nghiệm chọn nơi cứ trú xây dựng và ít nhiều phù hợp với những quan điểm trong phong thủy như: “Trạch địa nhi cư” (Chọn đất để ở), “Tựa sơn hướng thủy” (Dựa núi nhìn sông), “Cận thủy hướng dương” (Gần nước hướng về Mặt Trời)…