Nghề nuôi tôm sú ở Phú Yên hình thành từ những năm 1989-1990. Cho tới nay, diện tích nuôi đã phát triển lên hơn 1.800 ha, con số này nếu so với các địa phương khác thì thật là khiêm tốn; tuy nhiên, từ 1997 hơn 80% diện tích này đã được người Phú Yên đưa vào nuôi bán thâm canh và thâm canh, năng suất bình quân đạt 1,2 – 1,5 tấn/ha/năm; người nuôi có lãi, bộ mặt nông thôn ngư thôn miền biển thay đổi rõ rệt.
Từ năm 1999 đến nay, nghề nuôi tôm sú ở Phú Yên bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là năm 2001. Đáng kể nhất là trên tất cả các vùng nuôi của tỉnh đều xuất hiện bệnh thân đỏ đốm trắng cả vụ đông lẫn vụ hè, cả vùng nước mặn Sông Cầu lẫn vùng nước ngọt Tuy Hòa; ngoài ra, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường chủ yếu do nhóm Vibrio spp. gây ra cũng trở nên khó điều trị. Dịch bệnh xảy ra liên miên, kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan khác như tôm chậm lớn, năng suất đạt thấp, lượng tôm hao hụt lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí thức ăn, nhiên liệu, nhân công… cộng dồn lên làm giá thành sản xuất tăng cao, trùng với thời điểm giá tôm hạ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây làm một bộ phận người nuôi hoang mang, một số diện tích có nguy cơ bị bỏ hoang.
Với nguyện vọng đi vào nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu cụ thể những điểm yếu trong quy trình nuôi, khắc phục những lỗi kỹ thuật chủ quan, nhằm hợp lý hóa phương pháp nuôi ở Phú Yên với mục đích làm giảm giá thành sản xuất, giữ vững năng suất và hạn chế những rủi ro, chúng tôi mạnh dạn cho phát hành tập “Hỏi & đáp về Kỹ thuật nuôi tôm sú này. Đây là bộ tư liệu kỹ thuật tích lũy qua các lớp tập huấn khuyến ngư và những vấn đề trao đổi qua thực tế sản xuất ở Phú Yên, với hy vọng được bà con nuôi tôm và các đồng nghiệp tham khảo, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận để cùng nhau tìm ra giải pháp giúp nghề nuôi tôm sú ở Phú Yên đi vào ổn định, tỉnh cộng đồng ở vùng nuôi ngày càng được nâng cao, nghề nuôi tồn tại và người nuôi giàu lên được.
Cũng như các nghề sản xuất khác đòi hỏi tính kỹ thuật cao, nghề nuôi trồng thủy sản trong đó có nghề nuôi tôm sú đòi hỏi người nuôi phải mỗi ngày cập nhật kiến thức của mình, vấn để cốt lõi là sử dụng công nghệ sinh học nào tối ưu để vừa có lợi nhuận, vừa bảo vệ được môi trường sống cho thế hệ đời sau. Chính vì công nghệ sinh học đang thay đổi hàng ngày hàng giờ, chúng tôi chắc chắn rằng, những lời giải đáp của chúng tôi có thể phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nhưng có thể sẽ lạc hậu trong năm ba năm tới.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự cộng tác và giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp trẻ ở Trung tâm Khuyến ngư Phú Yên; TS. Nguyễn Hữu Dũng, TS. Tạ Khắc Thường và các thầy cô Khoa Nuôi trồng Thủy sản Trường Đại học Thủy sản Nha Trang; TS. Nguyễn Văn Hảo, Cô Lý Thị Thanh Loan và các cán bộ kỹ thuật Phòng Bệnh học Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II TP Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ; ThS. Akaepan R. và các nhân viên kỹ thuật các công ty CP, KP 90, K&H, Long Sinh, Bio-Pharmachemie, Uni-President, Bayer… làm việc ở địa bàn Phú Yên. Cám ơn Cty K&H đã cung cấp một số ảnh tư liệu quý, chúng tôi hy vọng được mọi người tiếp tục cộng tác, giúp đỡ và góp ý để tư liệu này ngày càng hoàn chỉnh.
Với lòng yêu mến quê hương chân thành, chúng tôi cố gắng soạn thảo, tập hợp và giới thiệu quyển sách nhỏ này như là món quà kỷ niệm 10 năm ngày chúng tôi về lại Phú Yên.
Xin thay mặt cả gia đình nhỏ Hạnh – Ngân – Hải Âu – Giang, kính tặng ba má và các anh chị với lòng biết ơn.
Tiến sĩ Trần Thị Việt Ngân
Thị xã Tuy Hòa, tháng 12/2001