Sau khi Thư Thăng Long giới thiệu bài “Hà Nội 21 cửa ô và Hà Nội 5 cửa ô” của nhà văn Đặng Thân, có rất nhiều bạn đọc viết thư yêu cầu Thư Thăng Long cho biết thêm những thông tin về Hoàng Kế Viêm. Thư Thăng Long xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đặng Thân về nhân vật lịch sử này.
“… Quân Cờ Đen là lính đánh thuê dưới quyền bài binh bố trận của Hoàng Kế Viêm vậy. Vai trò của quân Cờ Đen được ghi nhận trong lịch sử cũng là để phản ánh một sự thật đau lòng: quân lính nhà Nguyễn khi đó vô cùng bạc nhược trước quân Pháp…
… Thế nhưng, thời đó trong dân gian có câu ca dao:
Nước Nam có bốn anh hùng;
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu!
Đó là tên 4 người trong phe chủ chiến: Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết. Hoàng Kế Viêm chưa bao giờ “chủ hòa” vậy. Sau ngày kinh đô thất thủ, phe thân Pháp và bọn bậu xậu lên nắm quyền, các vị chủ chiến thất thế bị rơi vào thế đối lập chống lại triều đình… Và danh dự của các ông đã bị bôi nhọ, xuyên tạc ngay tại kinh đô Huế… Chắc chắn những lời bia miệng báng bổ độc ác đó đã phát ra từ những kẻ thù của các ông – những kẻ thân Pháp cầu vinh…
… Hoàng Kế Viêm không chỉ là một võ tướng uy dũng ông còn là một nhà văn, nhà viết sử. Ông là tác giả của một số tác phẩm có giá trị về văn học và lịch sử như: Phê thị trần hoàn (Ghi chép về đời Tự Đức), Tiên công sự tích biệt lục (Ghi lại thân thế và sự nghiệp của thân phụ ông), Khổn y lục (Ghi lại tiểu sử công chúa Hương La, vợ ông), Bát tiên công gia huấn từ (Ghi lời dạy con cái theo di cảo của thân phụ ông), Chi chi thi thảo, Vân vân văn tập, An phủ trấp lược.
Khi ông mất, nhà soạn tuồng Đào Tấn đã có bài thơ tưởng niệm cảm động thế này:
Tặng Tướng quân Hoàng Kế Viêm
Trong quân không rượu để khuyên sầu
Bến Cát đành cam phụ cặp bầu
Nam Bắc bao năm rong ruổi ngựa,
Quan hà muôn thuở tiễn đưa nhau
Gió hiu nâng gối tan buồn vặc
Trăng lụa xuyên rèm tỉnh mộng thu
Thức giấc, núi xưa người chẳng thấy
Trên sông sáng sớm bóng non cao
…”
ĐẶNG THÂN
Trân trọng giới thiệu…