Hồ sơ mật Liên Xô là cuốn sách được biên soạn dựa vào những tư liệu mới được công khai, những thư từ từng giấu kín, những tập hồi ký bị cấm lưu hành trong thời kỳ Đại Nguyên soái Stalin lãnh đạo Nhà nước Liên Xô. Nội dung sách bao gồm 12 chuyên án hình sự phức tạp nhưng chung một đề tài chuyên quyền, lộng hành, tranh giành ngôi vị độc tôn, tham vọng trở thành thần tượng. Những mưu mô ám muội, những toan tính tinh vi, những thủ đoạn tàn bạo được sử dụng chỉ nhằm loại trừ phe phái đối lập để ung dung ngồi vào chiếc ghế cao nhất trong chính quyền hoặc tiêu diệt những nhân vật lỗi lạc nổi trội để không còn ai hơn mình.
Mọi ý đồ đều xuất phát từ Điện Kremli, chủ mưu là những “chiến hữu thân cận nhất” từng đồng cam cộng khổ thời xây dựng chính quyền Xô Viết và thời nội chiến. Không thể không kể đến sự đồng lõa ấy là tính cả tin, sự buông lỏng và cả thói vô trách nhiệm của một tập thể nắm quyền lực tối cao.
“Bạo chúa” có “gian thần” phò tá thì âm mưu ám muội nào cũng thực hiện được.
Công cụ của “bạo chúa” là “gian thần”, công cụ của “gian thần” là cơ quan quyền lực Chêka, các sát thủ chuyên nghiệp và những gã bác sĩ không có lương tâm nằm trong Cục Bảo vệ sức khoẻ lãnh tụ. Hành vi giết người mà dựa trên tiêu chí đạo đức “Kẻ thù của nhân dân “, “Tập đoàn phản cách mạng hoạt động chống nhân dân” thì nạn nhân rất khó tự bảo vệ và dễ ru ngủ tính cảnh giác của nhân dân.
Chỉ một chiếc ghế bành bọc nhung đỏ trong Điện Kremli mà Trôtxki và Stalin đều nhăm nhe, nhưng thế lực Stalin mạnh hơn, tính tàn bạo kiểu vua chúa Trung cổ ở Stalin thể hiện táo tợn, quyết đoán mưu mẹo hơn nên Stalin thắng.
Thời kỳ Stalin cai trị Liên Xô tồn tại một xã hội bưng bít, một xã hội thiên đường hoang tưởng, bắt đầu từ việc thần thánh hoá một cá nhân, thần bí hoá và không có cá tính hoá một cá nhân. Niềm vui, sở thích và thái độ của cá nhân ấy là những bí mật quốc gia đặc biệt quan trọng. Đó là tệ sùng bái cá nhân. Tệ sùng bái cá nhân tồn tại được phải dựa trên cơ sở loại trừ những người không cùng phe cánh và những người tài giỏi hơn. Nếu ai đó bị ông ta coi là kẻ thù thì không thể thay đổi được. Nạn nhân của tệ sùng bái cá nhân là những tướng lĩnh công huân, những vị lãnh đạo lão thành, các chính trị – kinh tế gia tài giỏi. Cơ quan đàn áp của Stalin ngụy tạo những chứng cớ về tội danh “Kẻ thù của nhân dân”, “tập đoàn phản cách mạng hoạt động chống Liên Xô” để tiến hành những cuộc tàn sát, thanh trừng bất chấp đạo lý phi nhân tính.
Thể chế quốc gia dù rõ ràng, chặt chẽ mà người chấp hành thiếu tinh thần trách nhiệm đã có tác hại lớn.. Nếu vin vào thể chế, nấp sau thể chế để làm bậy thì sự ngang ngược ác hiểm càng đáng sợ hơn.
Lênin bị ám sát, “đồ đệ thân tín” của Người liền mượn gió bẻ măng, dựa vào việc chữa bệnh mà dùng thuốc phá hoại sức khoẻ của Người.
Có thể nói ẩn trong hào quang của vĩ nhân là những bi kịch – bi kịch quyền lực, bi kịch tình cảm. Sau khi từ trần, người sáng lập Nhà nước công nông đầu tiên của xã hội loài người bị các “đồ đệ” của mình bài xích khéo:
Stalin tâng bốc Lênin là nhà chuyên chính vô sản cứng rắn, thẳng tay với kẻ thù … Lời tuyên bố này ngầm mách bảo cho mọi người biết “Lãnh tụ không có lòng khoan dung độ lượng”, đồng thời lại có tác dụng biện hộ cho những quyết định tàn bạo mà sau này Stalin thể hiện với các đồng chí của ông.
Khơrútsốp có những phát biểu vô ơn phủ nhận vai trò lịch sử của Lênin, xem Lênin như là một nhà cải cách máy móc bảo thủ “Chỉ biết bảo nông dân mùa này nên trồng cây gì”.
Brêgiênhép nhìn nhận Lênin như là “ông cụ từ thiện hào nhoáng bên ngoài”.
Người chết không thể tự biện hộ nên thoải mái chỉ trích, thậm chí thoá mạ.
Lênin mất đi, những phụ tá đắc lực nhất, thân thiết nhất của Người – những nhân vật góp công sức xây dựng tạo nên Nhà nước công nông bị bức hại dần dần, những cuộc thanh trừng vô ơn rất tàn bạo đó chỉ nhằm nâng cao uy tín cho người kế vị. Số phận Stalin cũng vậy, nó như một minh chứng cho luật nhân quả.
Bêria – cánh tay phải của Stalin, người chỉ đứng dưới một người mà trên cả muôn người đã ký một quyết định mang tính chất như một “lệnh tiêu diệt” tạo tiền đề cho việc ông ta mưu hại cấp trên của mình nhưng lại tỏ ra quan tâm săn sóc sức khoẻ cho Đại Nguyên soái: “Khi lãnh tụ bị ốm phải báo cho ủy viên Nhân dân An ninh (Bêria) biết, khi ủy viên Nhân dân An ninh có mặt bên bệnh nhân mới được phép gọi bác sĩ”. Kết cục là: Stalin bị ngất, các “bề tôi trung thành”, các “chiến hữu thân cận” vẫn ung dung: “Các người hoảng loạn nỗi gì, chẳng thấy lãnh tụ đang ngủ đó sao”. Mười giờ sau họ mới “hoảng hốt” gọi bác sĩ đến cấp cứu !
Gấp cuốn sách lại mà như hiện ra toàn cảnh bức tranh xã hội của Liên Xô thời Stalin thoả sức dọc ngang. Lời nói của ông là pháp luật, sinh mạng con người không được coi trọng, nguyện vọng của con người bị xem nhẹ mới thấy lời nói sâu sắc, thấm đượm đạo lý nhân văn của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười: “Từ dân, do dân, vì dân”. Hiểu như thế thì chủ nghĩa cá nhân không còn đất sinh tồn.
Hồ sơ mật Liên Xô là cuốn sách tham khảo quý.
Nhà xuất bản Công an Nhân dân trân trọng giới thiệu cuốn sách với Quý vị độc giả.
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN