Xưa có hai anh em, anh thì giàu mà em thì nghèo. Người anh giàu có làm nghề thợ vàng, tính vốn ác nghiệt. Người em tết chổi bán kiếm tiền ăn, tính tình hiền hậu ngay thật. Người em có hai con, đẻ sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Hai đứa bé thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà bác để hòng kiếm thức ăn thừa.
Một bữa kia, người em vào rừng đốn củi bỗng thấy có con chim toàn vàng, xưa nay anh chưa từng thấy. Anh nhặt một viên sỏi ném, may trúng chim, nhưng chỉ rụng có một chiếc lông vàng còn chim bay mất. Anh lại nhặt cái lông mang về cho người anh. Gã nhìn rồi bảo: “Vàng thật đấy” rồi gã trả tiền cho em. Bữa sau, người em trèo lên một gốc bạch dương định chặt lấy mấy cành, tình cờ lại thấy con chim hôm trước bay đi. Anh tìm một lát thấy tổ chim, trong có quả trứng vàng. Anh nhặt trứng đem về cho người anh, gã lại bảo: “Vàng thật đấy” và trả tiền cho em. Sau rốt, gã thợ vàng bảo: “Ta muốn có cả con chim kia!” Người em vào rừng lần thứ ba lại thấy con chim đang đậu trên cây. Anh nhặt đá ném nó rơi xuống, đoạn xách nó về cho người anh, được gã trả cho một nắm vàng. Anh nghĩ bụng: “Giờ thì ta có thể sống đàng hoàng rồi đấy”. Anh hài lòng lắm, ra về.
Gã thợ vàng vốn là tay tinh quái, ranh mãnh nên gã thừa biết con chim kia đáng giá bao nhiêu rồi. Gã gọi vợ, bảo: “Hãy mang quay con chim vàng này cho tôi, nhớ chú ý đừng để mất đi tí gì nhé, tôi muốn ăn một mình tất cả”. Con chim này đâu có phải giống chim thường. Nó vốn thuộc một loài rất lạ. Ai ăn được tim gan nó trong vòng mười năm, cứ mỗi sáng lật gối lên sẽ có một đồng vàng. Người vợ mổ chim xong, cắm vào một cái xiên bỏ lò quay. Lát sau, chị ta có việc cần đi ra ngoài. Tình cờ giữa khi ấy, hai đứa nhỏ con người em chạy vào bếp đứng xem quay chim. Chúng nó xoay cái xiên đi, lại mấy vòng. Thấy hai miếng gì nho nhỏ rơi từ trong bụng chim xuống lòng chảo, một đứa bảo: “Ta ăn tí đi, em đói lắm, chẳng ai biết đâu mà sợ”. Mỗi đứa nhặt ăn một miếng. Đang ăn bỗng người đàn bà trở vào thấy rõ chúng nhai mới hỏi: “Bay ăn gì thế?”. Hai đứa đáp: “Có vài miếng từ bụng chim rơi xuống bác ạ”. “Tim gan nó đấy mà!”. Người đàn bà hãi quá. Để chồng khỏi thấy thiếu mà nổi nóng, chị vội thịt ngay một con gà, moi tim gan ra bù vào chỗ thiếu ở con chim vàng. Chim chín rồi, chị mang lên cho chồng. Gã ngốn tất một mình, không còn sót lại lấy một miếng. Sớm hôm sau, lúc luồn tay xuống dưới gối, gã cứ đinh ninh sẽ được một đồng vàng nhưng gã chẳng thấy gì hết. Còn hai đứa nhỏ, chúng không ngờ vận may đã đến với chúng. Sớm hôm sau, lúc chúng thức giấc, bỗng có vật gì rơi xuống đất, tiếng kêu lanh lảnh. Chúng nhặt lên, té ra là hai đồng vàng.
Chúng vội đem vào cho bố. Anh ta ngạc nhiên lắm, cứ tự hỏi: “Đầu đuôi thế nào đây nhỉ?”.
Nhưng rồi sáng hôm sau lại được hai đồng vàng nữa và cứ thế. Anh ta bèn tìm người anh và kể cho anh nghe câu chuyện lạ. Gã thợ vàng hiểu ngay ra thế nào rồi, chắc hai đứa bé đã xơi mất cỗ tim gan trong con chim vàng của gã. Vốn tính tham lam cay nghiệt, để báo thù, gã mới dọa em: “Các cháu nó rỡn với quỷ rồi đấy! Chú chớ có lấy vàng và cũng chẳng nên cho chúng ở nhà nữa. Quỷ đã ám chúng và có thể sẽ còn hại cả chú nữa”. Người em nghe nói sợ lắm, nên mặc dù trong lòng đau như cắt, anh đành dắt hai con vào rừng, và ngậm ngùi bỏ con lại đó.
Hai đứa trẻ quanh quẩn mãi trong rừng mà chẳng tìm được lối về, chúng bị lạc càng sâu hơn. Sau gặp một người đi săn hỏi chúng: “Các cháu là con cái nhà ai thế?”. Chúng đáp: “Chúng cháu là con người tết chổi nghèo”. Chúng kể cho người đi săn biết chuyện cha chúng không muốn giữ chúng ở nhà chỉ vì sáng nào ở dưới gối của chúng cũng có một đồng tiền vàng. Người đi săn bảo: “Được, có gì khó khăn đâu, chỉ miễn là các cháu cứ ở cho ngay thật và chớ làm biếng”. Người đi săn tốt bụng này vốn không có con. Thấy hai đứa trẻ dễ thương, anh đưa luôn chúng về nhà mình và bảo: “Ta nuôi các cháu làm con”. Anh truyền cho chúng nghề thợ săn và cất hộ chúng những đồng vàng mà sáng chúng vẫn được, để sau này dùng tới.
Khi hai đứa trẻ đã lớn rồi, một hôm bố nuôi mới dắt cả hai vào rừng và bảo: “Bữa nay, các con phải bắn thử để ta còn làm lễ cho các con chính thức vào nghề”. Ba người vào chỗ ẩn nhưng họ đợi mãi chẳng thấy con thú nào mò tới. Bác thợ săn mới ngẩng đầu lên nhìn bắt gặp đàn vịt trời trắng như tuyết đang xếp theo hình tam giác bay qua. Bác bảo con lớn: “Thử hạ mỗi góc một con coi nào?”. Người con lớn bắn và đạt được đúng như đúng lời bố dặn. Lát sau lại có đàn nữa bay tới, lần này chúng xếp thành hình số hai. Bác lại bảo con thứ hai thử hạ mỗi góc một con. Anh chàng này bắn cũng đạt. Bố nuôi bảo: “Ta tuyên bố là kể từ nay, các con chính thức vào nghề”. Tiếp đó, hai anh em đưa nhau vào rừng bàn bạc và nhất trí với nhau điều gì đó. Tối đến, lúc ngồi vào bàn ăn, hai người thưa với bố nuôi: “Chúng con sẽ chẳng chịu ăn đâu nếu như bố không thuận cho chúng con một điều”. Bác hỏi: “Các con có điều gì vậy?”. Hai người đáp: “Giờ chúng con đã học thành nghề rồi, muốn đi thử tài với thiên hạ một phen, xin hãy cho chúng con đi.”. Bác thợ săn vui lòng lắm: “Các con ăn nói đúng như những người thợ săn dũng cảm, điều mong muốn của các con cũng chính là điều ước nguyện của bố, các con cứ đi đi, tất sẽ thành công”. Ba người lại ăn uống rất vui vẻ.
Tới ngày đã định, bố nuôi tặng mỗi người một khẩu súng với một con chó săn. Số vàng dành dụm bấy lâu nay cũng trả cho các con mang theo tùy ý muốn. Bác đi tiễn các con một đoạn đường. Lúc chia tay, bác còn cho thêm hai đứa một con dao còn mới sáng loáng và bảo: “Khi nào các con từ biệt nhau, nhớ cắm con dao này vào một gốc cây. Lúc trở về, cứ xem dao khắc biết tin nhau. Rút dao ra, nếu thấy han rỉ tức là người vắng mặt đã chết. Trái lại, dao còn sáng tức là người còn sống”.
Hai anh em đi miết tới một khu rừng to, đi trọn một ngày mà chưa hết rừng. Họ phải ngủ đêm ở đó và lấy lương khô ra ăn. Lại đi trọn một ngày hôm sau nữa cũng chưa hết rừng. Lương ăn đã cạn rồi anh bảo em: “Phải bắn con gì ăn cho đỡ đói”. Nói xong anh nạp đạn và tìm quanh. Thấy con thỏ chạy tới, anh giương súng ngắm nhưng thỏ kêu: “Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con thỏ con”. Nó nhảy ngay vào bụi, sau đó tha ra hai chú thỏ con. Mấy con vật nhỏ này trông rất đáng yêu, hai người động lòng thương không nỡ giết. Họ giữ chúng lại và mang theo, hai con thỏ cũng bám rất sát dấu chân hai người. Một lát sau đó, lại gặp một con cáo. Hai người định bắn thì cáo kêu lên: “Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con cáo nhỏ”. Cáo tha ra hai chú cáo nhỏ. Hai người cũng không nỡ giết, cho đi cùng với hai con thỏ. Lát sau, một con sói ở chỗ rừng rậm ra. Hai người định bắn thì sói kêu: “Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con sói nhỏ”. Họ tha hai con sói nhỏ nhập đàn với mấy con kia cùng đi. Lại gặp một con gấu nhưng gấu cũng tham sống kêu lên: “Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con gấu nhỏ”. Hai con gấu nhỏ được nhập cùng đàn với mấy con trên, thành tám con tất cả. Sau đó, họ gặp sư tử. Sư tử rũ bờm tiến lại. Nhưng hai người nào có sợ. Họ giương súng ngắm. Sư tử vội kêu lên: “Hãy tha mạng cho tôi, tôi xin nộp hai con sư tử con”. Nó tha hai con nó ra. Thế là hai người đã có một đôi sư tử, một đôi gấu, một đôi sói, một đôi cáo, một đôi thỏ theo hầu.
Trong bụng vẫn đói, họ mới bảo hai con cáo: “Này các chú cáo, các chú vốn ranh mãnh, đa mưu lại nhẹ nhàng, hãy kiếm cái gì ăn đi”. Cáo đáp: “Cách đây không xa có một thôn nhỏ, bọn tôi vẫn thường tới đó ăn trộm gà, để chúng tôi xin dẫn đường”. Hai người tìm đường vào thôn, mua ít thức ăn, lại không quên cho cả mấy con vật ăn rồi tiếp tục ra đi. Hai con cáo vốn đã biết quá rõ trong vùng ấy chỗ nào nuôi gà, nên chúng chỉ đường cho hai người thợ săn rất rành.
Đi quanh quẩn đã khá lâu rồi mà vẫn chẳng tìm ra được chốn nào có việc làm mà lại ở cùng với nhau, nên hai anh em bàn: “Chỉ còn cách là ta chia tay nhau thôi.”. Hai người chia đám súc vật ra, mỗi người lấy một con sư tử, một con gấu, một con sói, một con cáo và một con thỏ. Rồi họ từ biệt nhau, hứa sẽ giữ tình anh em trọn đời và cắm con dao mà bố nuôi đã cho họ lên một gốc cây. Một người theo hướng đông mà đi, còn người kia lần theo hướng tây. Người em dẫn đàn súc vật đi tới một thành thị kia, thấy khắp nơi trong thành treo toàn cờ đen. Chàng rẽ vào một quán trọ hỏi chủ quán có chỗ cho súc vật của chàng trọ không. Chủ quán đưa chúng vào một cái chuồng, trên vách chuồng có lỗ thủng. Thế là thỏ ta chui được ra ngoài đi kiếm một cái bắp cải trắng. Cáo cũng kiếm được một con gà mái, ăn xong nó lại xơi luôn nốt con gà trống. Nhưng sói, gấu và sư tử vì thân hình to lớn quá, không vào chuồng được. Chủ quán bèn dẫn chúng ra một nơi, có con bò sữa đang nằm trên thảm cỏ, chúng thịt ngay con bò sữa.
Chàng thợ săn lo cho đàn súc vật xong xuôi rồi mới hỏi thăm chủ quán xem tại sao trong thành chỉ thấy toàn cờ tang. Chủ quán cho biết: “Sáng mai, công chúa con một của đức vua qua đời”. Chàng hỏi lại: “Nàng bị ốm nặng hay sao?”. Chủ quán đáp : “Không đâu, nàng vẫn tươi tỉnh khỏe mạnh nhưng nàng sẽ phải chết”. Chàng thợ săn vẫn hỏi: “Sao vậy?”. “- Trước cửa thành có một ngọn núi cao, trên núi có một con rồng. Năm nào rồng cũng đòi phải hiến cho nó một người con gái đẹp, bằng không nó sẽ tàn phá cả giang sơn này. Giờ thì con gái đẹp trong thành đã hết rồi, chỉ còn lại mình công chúa, bắt buộc phải hiến nàng cho nó thôi. Mai là tới kỳ hạn đó”. Chàng thợ săn lại hỏi: “Thế sao không giết con rồng đi?”. Chủ quán đáp: “Trời ơi, biết bao hiệp sĩ đã bỏ mình với nó rồi. Vua hứa là nếu ai thắng nổi nó thì sẽ được lấy con gái người, sau này lại sẽ được hưởng ngôi báu nữa”.
Chàng thợ săn không nói gì nữa. Sáng hôm sau chàng lẳng lặng dẫn súc vật lên núi tìm rồng. Lên đến trên núi chàng thấy có một ngôi nhà thờ. Trên bàn thờ có ba cốc rượu đầy, bên cạnh có mấy dòng chữ viết: “Ai uống cạn mấy cốc rượu này thì sẽ trở thành người khỏe nhất trần gian và sẽ múa nổi thanh kiếm chôn ở dưới bậc cửa”. Chàng không uống rượu mà ra nhấc thanh kiếm ngay nhưng không sao nhấc nó lên. Chàng đành phải quay lại uống cạn rượu,
lúc này mới đủ sức nhấc nổi thanh kiếm và còn có thể múa nó rất dễ dàng nữa.
Tới giờ nộp công chúa cho con rồng, cả đức vua, quan nguyên soái và quần thần đều đi theo để tiễn nàng. Từ xa nàng đã nom thấy chàng thợ săn đứng trên một ngọn núi. Nàng ngỡ đó là con rồng đang đợi nàng nên không chịu đi nữa. Nhưng nàng lại nghĩ số phận của cả thành, nàng lại đành phải đi, bước chân nặng trĩu. Vua và quần thần quay về, lòng buồn vô hạn, chỉ duy quan nguyên soái còn phải đứng lại đó để chứng kiến từ xa các việc sắp xảy ra. Công chúa lên ngọn núi thấy chẳng phải là rồng mà lại là chàng thợ săn trai trẻ. Chàng an ủi nàng, bảo cho nàng biết là chàng sẽ cứu nàng, đưa nàng vào trong nhà thờ và khóa cửa lại. Một lát sau, có tiếng gió cuốn dữ dội rồi một con rồng bảy đầu xuất hiện. Thấy chàng thợ săn nó ngạc nhiên lắm, hỏi:
– Mi lên núi có việc gì?
Chàng trả lời:
– Ta muốn đọ sức với mi.
Rồng bảo:
– Bao nhiêu hiệp sĩ đã bỏ mình ở nơi đây rồi, ta sẽ cho mi theo gót chúng.
Tức thì cả bảy cái đầu của nó phun lửa phì phì. Lửa bắt vào cỏ khô. Chàng thợ săn sẽ chết trong đám khói nếu mấy con vật của chàng không kịp chạy tới dập tắt. Rồng bèn xông vào chàng. Chàng vung kiếm, thanh kiếm rít trên không, chém rụng ba đầu rồng. Con rồng nổi điên, nó bay vút lên cao khạc lửa đồng thời định đâm bổ xuống. Chàng thợ săn lại chém luôn một nhát, đứt thêm ba đầu nữa. Con vật đã quá kiệt sức rơi xuống nhưng nó vẫn muốn xông vào lượt nữa. Chàng lấy hết sức còn lại chém đứt đuôi nó. Chàng không đánh được nữa bèn gọi mấy con vật của chàng. Chúng xô lại xé xác con rồng ra thành từng mảnh.
Cuộc chiến đấu đã xong, chàng mở cửa nhà thờ thấy công chúa đang nằm lăn dưới đất. Trong lúc đánh nhau, nàng đã ngất đi vì quá sợ. Chàng vực nàng ra ngoài, đợi một lúc nàng đã tỉnh và hé mắt nhìn chàng mới chỉ cho nàng mấy khúc xác rồng để cho nàng biết là nàng đã thoát. Công chúa mừng lắm nói: “Rồi chàng sẽ là chồng thiếp vì cha thiếp có hứa sẽ gả con gái cho ai giết được rồng”. Nàng tháo chuỗi vòng san hô đang đeo ở cổ chia cho mấy con vật để thưởng công cho chúng, riêng sư tử được chia cái khóa vàng. Còn chiếc khăn tay thêu tên nàng, nàng đưa tặng chàng thợ săn. Chàng bèn ra cắt bảy cái lưỡi của bảy đầu rồng, bọc vào khăn giữ cẩn thận. Sau đó vì bị lửa hun và đánh nhau đã kiệt sức, chàng bảo công chúa: “Hai ta đều đã quá mệt mỏi, ta hãy ngủ một lúc”. Công chúa ưng thuận. Hai người nằm ngay dưới đất. Chàng bảo sư tử: “Mày hãy ngồi canh đừng cho ai xâm phạm vào chúng ra trong giấc ngủ”. Hai người ngủ. Sư tử nằm cạnh hai người để canh, nhưng vì nó cũng mệt rồi nên nó gọi gấu bảo: “Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao”. Gấu lại nằm bên sư tử nhưng vì gấu cũng mệt nó gọi sói bảo: “Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao”. Sói lại nằm bên gấu nhưng vì sói cũng mệt nên nó gọi cáo bảo: “Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao”. Cáo lại nằm bên sói nhưng vì cáo cũng mệt nên gọi thỏ bảo: “Mày lại nằm cạnh tao, tao cần ngủ một lúc, có chuyện gì thì mày đánh thức tao”. Thỏ lại nằm bên cáo nhưng vì chính chú thỏ đáng thương cũng mệt rồi mà chẳng nhờ được ai canh giùm nên nó ngủ thiếp đi mất. Thế là công chúa, anh thợ săn, sư tử, gấu, sói, cáo, thỏ tất cả ngủ say.
Tên nguyên soái vẫn đứng nhìn ở đằng xa, lúc này không thấy rồng cắp công chúa bay lên, trên núi đâu đấy vẫn yên tĩnh, hắn bạo dạn đi lên. Lúc đến nơi, hắn thấy mấy khúc xác rồng lăn lóc trên mặt đất và cách đó một quãng, công chúa với người thợ săn và mấy con vật đang say sưa ngủ. Hắn vốn là tay gian ác xảo quyệt nên rút kiếm chặt ngay đầu người thợ săn, rồi hắn bế công chúa xuống núi. Công chúa thức giấc, thấy thế sợ lắm, nhưng tên nguyên soái đã bảo: “Nàng giờ ở trong tay ta rồi, nàng phải nói chính ta đã chém chết con rồng”. Công chúa đáp: “Ta không thể làm được đâu vì đó là công của người thợ săn với mấy con vật”. Tên nguyên soái rút kiếm ra dọa nếu nàng không chịu nghe hắn sẽ giết nàng. Công chúa đành phải nhận lời. Ngay sau đó, hắn đưa nàng đến gặp vua cha. Vua cha vốn đinh ninh là con gái yêu của mình đã bị quái vật xé xác nên thấy con vẫn sống trở về, vua vui mừng khôn xiết.
Tên nguyên soái tâu: “Thần đã có công chém được con rồng để cứu công chúa và cứu nước, nay xin bệ hạ cho thần được lấy nàng như lời bệ hạ đã hứa hẹn. Vua hỏi công chúa: “Có đúng như lời của hắn nói không?”. Công chúa đáp: “Thưa đúng như thế nhưng con xin đợi một năm lẻ một ngày nữa rồi hãy làm lễ cưới”. Nàng mong mỏi trong khoảng thời gian đó may ra có thể được tin tức về người yêu.
Trên quả núi rồng, khi ấy mấy con vật vẫn còn nằm ngủ say sưa cạnh thân chủ chúng. Bỗng có một con ong bay đến đậu ngay trên mũi thỏ. Thỏ giơ chân gạt nó rồi lại ngủ. ong bay đến lần thứ hai, thỏ cũng gạt nó đi rồi lại ngủ. ong bay lại lần thứ ba, đốt luôn vào mũi thỏ. Thỏ giật mình tỉnh dậy. Nó đánh thức cáo, cáo đánh thức sói, sói đánh thức gấu, gấu đánh thức sư tử. Sư tử tỉnh dậy, thấy công chúa đã biến mất, chỉ còn chủ nằm chết đó, nó rống lên rất dữ dội và hét: “Kẻ nào đã làm việc này? Gấu sao mày chẳng đánh thức tao?”. Gấu hỏi sói: “Sao mày chẳng đánh thức tao?”. Sói hỏi cáo: “Sao mày chẳng đánh thức tao?”. Cáo lại hỏi thỏ: : “Sao mày chẳng đánh thức tao?”. Thỏ không biết trả lời thế nào, thành thử tội lỗi đổ cả lên đầu nó. Mấy con vật kia định xông vào đánh thỏ, thỏ vội khẩn khoản: “Các anh đừng giết tôi, để tôi sẽ làm cho chủ của chúng ta sống lại. Tôi biết một quả trên núi, trên có thứ rễ cây, chỉ cần ngậm thứ rễ cây ấy là bệnh tật thương tích gì cũng khỏi. Nhưng quả núi lại ở cách đây có tới hai trăm tiếng đồng hồ đường bộ kia”. Sư tử bảo: “Hẹn cho mày nội trong hai mươi bốn tiếng phải tới đó lấy bằng được thứ rễ nọ về đây”.
Thỏ nhảy tót đi ngay. Hăm bốn giờ sau nó đã về, mang theo thứ rễ nọ. Sư tử vội tha đầu chủ, chắp vào mình như trước, còn thỏ nhét rễ cây vào miệng chủ. Tức thì đầu lại liền ngay với mình, tim bắt đầu đập và người chết sống lại. Chàng thợ săn tỉnh dậy thấy mất công chúa, kinh hoảng lắm. Chàng nghĩ bụng: “Chắc nàng đã thừa lúc ta ngủ bỏ trốn rồi”. Lúc sư tử chắp đầu cho chủ, nó vội quá nên chắp trái chiều, nhưng chủ nó đang buồn không để ý. Mãi đến trưa lúc sắp ăn chàng mới biết là đầu mình ngoảnh lại phía sau lưng. Chàng không hiểu sao cả, bèn hỏi mấy con vật đã có chuyện gì xảy ra trong khi chàng ngủ. Sư tử kể rằng khi ấy chúng ngủ hết vì mệt quá, lúc nó tỉnh dậy thấy chủ đã chết, đầu bị chặt lìa khỏi xác, thỏ đã đi lấy rễ cây trường sinh, còn nó trong lúc quá vội đã chắp đầu trái chiều, giờ nó muốn sửa lại thiếu sót ấy. Kể xong, nó rứt luôn đầu chàng thợ săn ra, xoay trở lại và thỏ lại vội lấy rễ cây chữa cho liền lại.
Chàng thợ săn buồn lắm. Chàng đi đây đi đó, dạy mấy con vật nhảy múa làm vui cho thiên hạ xem. Đúng một năm sau, chàng trở lại chỗ thành thị chỗ chàng đã cứu công chúa ngày trước. Lần này thấy phố xá treo toàn cờ đỏ. Chàng hỏi chủ quán: “Thế là thế nào? Năm trước phố xá treo toàn cờ đen, năm nay sao lại chỉ thấy treo toàn cờ đỏ?”. Chủ quán đáp: “Năm trước, vua chúng tôi phải tiến công chúa cho rồng, may nhờ quan nguyên soái đánh nhau với rồng đã chém được nó. Mai đây là ngày cưới nàng. Chính vì vậy mà năm trước phố xá treo cờ đen để chịu tang, còn hôm nay treo cờ đỏ để ăn mừng”.
Hôm nay là ngày lễ cưới, đến bữa trưa, chàng thợ săn bảo chủ quán: “Ông chủ có tin là bữa nay ta sẽ lấy được bánh mì ở tận bàn tiệc của nhà vua về đây ăn không?”. Chủ quán thưa: “Tôi chẳng dám tin đâu; vâng, tôi xin cuộc với ngài trăm đồng vàng đây”. Chàng thợ săn nhận đánh cuộc. Chàng cũng đưa ra một cái túi đựng một trăm đồng vàng. Đoạn chàng gọi thỏ và bảo: “Chú thỏ tài nhảy nhót, chú hãy vào lấy bánh của nhà vua ăn ra đây cho ta”.
Thỏ vốn bé nhất đám, chẳng thể sai khiến con vật nào khác nên nó đành phải tự thân đi lấy. Nó nghĩ bụng: “Một mình mình chạy giữa phố thế này tất sẽ bị chó săn đuổi mất thôi”. Quả như nó nghĩ, có mấy con chó rượt theo, muốn lột da nó. Nó chạy nhanh như biến và lẩn ngay được vào một cái chòi gác mà lính canh chẳng biết gì hết. Đàn chó xông lên định lôi nó ra nhưng tên lính canh lại ngỡ đàn chó muốn rỡn với mình, hắn nổi nóng phang luôn mấy báng súng. Lũ chó sủa om sòm rồi chạy mất. Thỏ thấy đã hết nguy, nhảy luôn vào lâu đài. Nó đến thẳng chỗ công chúa, lẻn dưới gầm ghế nàng ngồi khẽ cào chân nàng. Công chúa tưởng là con chó của nàng nên mắng: “Mày có đi chỗ khác không?”. Thỏ cào lần thứ hai, công chúa lại mắng: “Mày có đi chỗ khác không?”. Nhưng thỏ không hề bối rối, nó cào lần thứ ba. Công chúa mới nhòm xuống và nhờ cái dây buộc ở cổ thỏ, nàng nhận được nó. Nàng bế nó lên, mang vào phòng hỏi: “Thỏ yêu quí ơi, thỏ muốn gì thế”. Thỏ đáp: “Chủ tôi là người giết rồng hiện đã tới đây. Người sai tôi vào xin một tấm bánh mì vua vẫn ăn”. Công chúa nghe nói mừng lắm. Nàng cho gọi ngay người thợ làm bánh vào, sai lấy một tấm bánh, thứ mà vua vẫn thường ăn. Thỏ lại nói: “Xin cho người thợ làm bánh đem tôi ra ngoài để lũ chó săn khỏi hại tôi”. Người thợ làm bánh đem thỏ đến tận cửa nhà trọ. Thỏ ôm tấm bánh mì bằng hai chân trước, đi bằng hai chân sau đem vào chỗ ông chủ. Chàng thợ săn bảo chủ quán: “Thấy chưa, ông chủ quán ơi, trăm đồng vàng kia là của tôi rồi”.
Chủ quán kinh ngạc lắm, nhưng chàng thợ săn đã nói tiếp: “Vâng ông chủ ạ, bánh đã có rồi, giờ thì tôi lại muốn ăn cả món thịt rán của nhà vua nữa kia!”. Chủ quán bảo: “Để xem nào”. Nhưng anh ta không dám đánh cuộc nữa. Chàng thợ săn liền gọi cáo bảo: “Chú cáo, chú hãy vào lấy món thịt rán của vua ra đây cho ta”. Con cáo lông đỏ này luồn tài hơn thỏ. Nó cứ tìm ngõ ngách mà đi nên không bị con chó nào trông thấy. Nó lẻn vào dưới gầm ghế công chúa ngồi, cào lên chân nàng. Công chúa nhìn xuống, thấy sợi dây buộc ở cổ cáo, nhận ra nó, đem nó vào phòng, hỏi: “Cáo yêu quí ơi, cáo muốn gì thế?”. Cáo đáp: “Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin một miếng thịt rán của vua ăn. Công chúa gọi đầu bếp, sai làm món thịt rán vua vẫn ăn đem ra cho cáo. Cáo bưng lấy đĩa thịt, đem về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán: “Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt đã có rồi, bây giờ ta muốn ăn món rau của nhà vua nữa”. Chàng gọi sói vào bảo: “Chú sói, chú vào lấy món rau của nhà vua ăn ra đây cho ta”. Sói chẳng sợ ai cả nên nó vào thẳng trong lâu đài. Nó đến phòng công chúa, khẽ kéo áo nàng để nàng buộc phải nhìn xuống. Nàng trông thấy sợi dây buộc ở cổ nó, nhận ra nó mới đưa nó vào phòng, hỏi: “Sói thân yêu ơi, sói muốn gì?”. Sói đáp: “Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin món rau của vua ăn”. Công chúa gọi đầu bếp, sai làm món thịt rau vua vẫn ăn đem ra tận cửa cho sói. Sói bưng liễn rau đem về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán: “Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt, rau đã có rồi, bây giờ ta muốn ăn món đồ ngọt của nhà vua nữa”. Chàng gọi gấu và bảo: “Chú gấu, chú vốn thích liếm của ngọt, chú hãy lấy món đồ ngọt của vua ăn ra đây cho ta”. Gấu lạch bạch chạy vào lâu đài. Dọc đường, ai thấy nó cũng phải lảng tránh. Tới chỗ lính canh, tên lính giơ súng định ngăn không cho nó đi. Nó nhẩy ngay lên, và cho tên lính mấy cái tát vào má phải má trái. Cả cái chòi gác đổ sập. Nó lại thẳng đường vào chỗ công chúa, đứng sau lưng nàng khẽ gầm gừ. Công chúa quay lại nhận ra gấu, bèn gọi nó vào phòng hỏi: “Gấu thân yêu ơi, gấu muốn gì?”. Gấu đáp: “Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Người sai tôi vào xin món đồ ngọt của nhà vua vẫn dùng”. Công chúa vội gọi người thợ làm bánh ngọt, sai làm thứ bánh ngọt vua thường ăn, mang ra cho gấu. Gấu liếm đường rơi bên dưới lên cả phía trên rồi nó mới đứng dậy, bưng âu bánh đem về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán: “Thấy chưa, ông chủ ơi, bánh, thịt, rau, đồ ngọt đã có rồi, bây giờ ta lại muốn uống thứ rượu mà vua thường dùng”. Chàng gọi sư tử vào và bảo: “Chú sư tử, chú vốn thích rượu. Chú hãy vào lấy thứ rượu nho của vua về cho ta”. Sư tử đi ra đường, ai thấy nó cũng chạy; tới chỗ chòi gác. Lính canh định cản đường nó, nó rống lên một tiếng, mọi thứ đã bị bắn tung đi hết. Sư tử đến trước phòng vua, quất đuôi lên cửa. Công chúa ra, thoạt thấy nó rất kinh khủng, nhưng rồi nàng nhận ra nó nhờ có cái chìa khóa vàng buộc ở cổ nó. Nàng gọi nó vào phòng, hỏi: “Sư tử thân yêu ơi, sư tử muốn gì?”. Sư tử đáp: “Chủ tôi là người giết rồng, hiện đã ở đây rồi. Tôi vào xin thứ rượu nho mà vua vẫn uống”. Công chúa vội cho gọi người hầu rượu, sai đem thứ rượu nho vua vẫn uống ra cho sư tử. Sư tử nói: “Để tôi đi xem có đúng thứ ấy không!”. Nó liền đi theo người hầu rượu. Xuống dưới hầm, người này định lấy thứ rượu thường của bọn người hầu vẫn uống. Sư tử bảo: “Khoan, đợi ta nếm xem đã!”. Nó tự rót lấy nửa bình, tu một hơi cạn ráo. Nó bảo: “Không phải thứ này”. Người hầu rượu liếc trộm nó rồi ra chỗ thùng rượu khác, định lấy thứ rượu vẫn dành cho quan nguyên soái. Sư tử lại bảo: “Khoan để ta nếm xem đã!”. Nó tự rót nửa bình nữa, tu cạn: “Có khá hơn nhưng vẫn chưa phải”. Người hầu rượu phát cáu mới nói: “Cái đồ súc vật, ngu độn còn biết gì về rượu!”. Tức thì gã bị sư tử vả ngay cho một cái vào sau gáy ngã phục xuống bất tỉnh nhân sự. Lúc tỉnh lại rồi, gã không dám nói gì nữa, cứ lẳng lặng đưa sư tử đến bên một cái hầm đặc biệt nhỏ nhắn. Trong đó là rượu của vua. Xưa nay ngoài vua ra không ai được uống. Sư tử lại rót lấy nửa bình nếm trước. Xong nó bảo: “Có thể đúng đấy”. Nó sai gã kia rót ra sáu chai đầy, rồi cùng đi lên. Lúc ra tới bên ngoài, nó thấy chuyếnh choáng hơi say. Gã kia đem rượu ra đến tận cửa cho nó. Nó ngoạm giỏ rượu vào mồm tha về cho chủ.
Chàng thợ săn bảo chủ quán: “Thấy chưa ông chủ, bánh, thịt, rau, đồ ngọt, rượu nho của vua đã có đủ cả, giờ ta mới cùng mấy con vật thưởng thức đây”.
Chàng ngồi vào ăn uống, lại chia cả cho thỏ, cáo, sói, gấu, sư tử cùng ăn và uống. Chàng thấy công chúa vẫn yêu mình nên vui lắm. Ăn xong, chàng bảo: “Này ông chủ, tôi đã ăn uống như vua rồi, giờ tôi muốn vào triều để xin lấy công chúa đây!”. Chủ quán hỏi: “Xin thế nào được! Công chúa đã có nơi có chốn rồi, mà hôm nay là ngày cưới kia mà”.
Chàng bèn rút túi ra lấy cái khăn tay mà công chúa đã cho chàng ở trên núi rồng khi trước, trong khăn tay vẫn gói bảy cái lưỡi của con quái. Chàng nói: “Ta đã có vật này trong tay, nó sẽ giúp ta làm việc ấy”. Chủ quán xem cái khăn rồi bảo: “Tin gì thì tin chứ điều đó tôi không thể tin được. Tôi sẵn lòng xin cuộc cả nhà cửa, sân vườn đây!”. Chàng thợ săn lại lấy ra một cái túi trong đó có nghìn đồng vàng, đặt lên bàn rồi nói: “Ta cũng xin cuộc số vàng này”.
Ở bàn ăn trong cung, vua hỏi công chúa: “Mấy con thú cứ đi ra đi vào trong cung, chúng đến chỗ con có việc gì thế?”. Nàng đáp: “Con chẳng dám tâu trình đâu, xin cha cứ cho người đi gọi chủ nhân của nó tới đây, cha sẽ rõ”.
Vua sai kẻ hầu đến quán trọ mời người lạ mặt. Kẻ hầu đến, đúng như chàng thợ săn đã đánh cuộc với chủ quán. Chàng bảo: “Ông thấy chưa, ông chủ, vua sai kẻ hầu đi mời tôi đó, nhưng tôi chẳng đi như thế này đâu”.
Chàng lại bảo người hầu: “Ngươi về tâu vua xin hãy gởi hoàng bào cho ta, xin hãy cấp cho ta một cỗ xe sáu ngựa với một số quân hầu”.
Vua được tin báo, hỏi công chúa: “Làm sao bây giờ?”. Công chúa đáp: “Xin cứ triệu và cấp mọi thứ như chàng đòi, sẽ không uổng đâu”.
Vua bèn sai đem áo hoàng bào với một cỗ xe sáu ngựa cấp cho chàng, lại cấp cho một số người để hầu hạ chàng. Chàng thợ săn thấy đoàn người kéo đến, bảo chủ quán : “Thấy chưa, ông chủ, thế là tôi đã được triệu, đúng như tôi đòi đấy nhé”.
Chàng mặc áo hoàng bào, cầm theo chiếc khăn gói lưỡi rồng rồi lên xe vào chầu. Vua thấy chàng đã đến, hỏi con gái: “Ta tiếp hắn thế nào đây?”. Nàng đáp: “Mấy sợi dây buộc cổ và cái khóa vàng này đều là của thiếp, thiếp chia cho mấy con vật để thưởng chúng đã góp công giết rồng”. Khi ấy chàng thợ săn mới nói: “Thừa lúc thần đánh rồng xong, mệt mỏi ngủ mất, tên nguyên soái kia đã đi đến chặt đầu thần. Sau đó, gã đưa công chúa đi và mạo nhận là chính gã đã chém rồng. Mấy cái lưỡi, chiếc khăn tay với mấy sợi dây buộc cổ đây chứng minh là gã nói dối”.
Chàng lại kể tiếp chuyện mấy con vật đã đi kiếm rễ cây thần về cứu chàng như thế nào, một năm qua chàng đã đi phiêu dạt những đâu, rồi cuối cùng lại quay trở về đúng nơi đây, nhờ chủ quán trọ nói cho nghe mà biết được mưu gian của tên nguyên soái. Vua bèn hỏi công chúa: “Có đúng người này đã chém rồng không?”. Nàng đáp: “Tâu, đúng thế, giờ con mới dám nói ra cái tội của tên nguyên soái. Con không nói thì chuyện cũng lộ rồi. Nó đã bức con phải hứa giữ kín. Mà con xin để một năm lẻ một ngày sau hãy làm lễ cưới, chính cũng vì chuyện ấy”.
Vua cho triệu mười hai mưu sĩ đến để luận tội tên nguyên soái. Các mưu sĩ khép hắn vào án tử hình. Xử tội hắn xong, người cứ ra đón, sẽ không uổng đâu”.
Vua bèn đón chàng, đưa chàng vào, mấy con vật cũng đi theo sau. Vua chỉ cho chàng ngồi cạnh mình với công chúa. Còn tên nguyên soái ngồi ghế chú rể ở phía bên kia, nhưng gã không nhận ra được chàng. Vừa khi đó, bảy chiếc đầu rồng được đem bày. Vua phán: “Bữa nay, ta gả con gái cho quan nguyên soái là để thưởng cái công đã chém được bảy chiếc đầu này”. Chàng thợ săn liền đứng lên, ra mở từng đầu một hỏi: “Thế bảy cái lưỡi rồng đâu?”. Tên nguyên soái sợ tái mặt. Không biết trả lời ra sao, sau cùng gã nói liều: “Rồng không có lưỡi”. Chàng thợ săn bảo: “Chỉ những đứa gian trá mới không có lưỡi, còn lưỡi rồng chính là vật chứng của người thắng trận”. Chàng cởi chiếc khăn ra, bảy cái lưỡi vẫn nguyên đó. Chàng lắp từng cái một vào từng đầu rồng, quả nhiên đều khớp hết. Sau đó chàng lại đưa cho công chúa xem chiếc khăn thêu tên nàng và hỏi nàng đã cho ai chiếc khăn này. Công chúa đáp: “Cho người đã chém chết con rồng”. Chàng lại gọi từng con vật lại, tháo lấy mấy sợi dây buộc ở cổ chúng rồi tháo cả cái khóa vàng ở cổ sư tử, đưa cho công chúa và hỏi cvua cho chàng thợ săn lấy công chúa, lại phong chàng làm phó vương trong cả nước. Đám cưới được tổ chức rất trọng thể. Phó vương cho người đi triệu bố đẻ và bố nuôi mình, tặng hai người rất nhiều châu báu. Chàng cũng không quên người chủ quán trọ. Chàng cho triệu người ấy vào, bảo: “Thấy không, ông chủ, tôi đã lấy công chúa rồi, nhà cửa sân vườn nhà ông giờ là của tôi”. Chủ quán thưa: “Thưa như vậy là đúng lý”. Nhưng vị phó vương đã bảo: “Thôi để ta khoan hồng cho: nhà cửa sân vườn ông cứ giữ, còn nghìn vàng nọ ta tặng thêm cho ông đó”. Còn người bác nghe chuyện, sợ chàng hỏi tội trốn đi mất.
Phó vương với công chúa từ đó sống rất vui vẻ và hạnh phúc. Chàng đi săn luôn, vì đó là sở thích của chàng và mấy con vật trung thành thường đi theo chủ. Gần đó có một khu rừng. Người ra đồn trong rừng có quỷ và ít ai vào rừng mà lại ra được. Vị phó vương trẻ tuổi rất muốn đi vào đó săn. Chàng cứ nài mãi, cuối cùng ông vua già phải bằng lòng cho chàng đi. Chàng lên ngựa, đem theo một đoàn tùy tùng rất đông. Vào đến cửa rừng thấy con hươu cái lông trắng như tuyết. Chàng bảo những người theo hầu: “Các người hãy chờ ta ở đây, ta muốn đi săn con thú đẹp đẽ kia”.
Chàng thúc ngựa đuổi theo hươu vào rừng, chỉ có mấy con vật theo chàng thôi. Đoàn người đứng lại đợi cho đến chiều, không thấy chàng ra. Họ đành quay ngựa về báo với công chúa: “Phó vương đuổi theo một con hươu trắng vào khu rừng thiêng rồi không thấy trở ra”. Công chúa lo cho chồng vô cùng. Trong lúc ấy, chàng vẫn mãi đuổi con thú mà không sao theo kịp nó được. Cứ đúng lúc chàng thấy vừa tầm bắn thì nó lại nhảy xa hơn và cứ thế sau rồi nó biến đâu mất. Lúc này chàng mới thấy mình đã vào quá sâu trong rừng. Chàng đưa tù và lên rúc một hồi, không thấy trả lời vì không ai nghe được tiếng tù và của chàng. Tối đến, thấy rõ mình không kịp về nữa, chàng xuống ngựa, bên một gốc cây đốt lửa định bụng sẽ ngủ đêm tại đó. Chàng vừa ngồi xuống bên đống lửa, mấy con vật cũng nằm quanh đó, chợt nghe văng vẳng như có tiếng người. Chàng nhìn quanh nhưng chẳng thấy gì. Lúc sau lại thấy có tiếng rên ở trên cao. Chàng nhìn lên thấy một mụ già ngồi vắt vẻo trên cây, đang rên rỉ: “Hu, hu, hu, rét quá!”. Chàng bảo mụ: “Rét thì xuống đây mà sưởi”. Nhưng mụ ta đáp: “Chịu thôi, lũ súc vật của người sẽ cắn ta mất”. Chàng lại bảo: “Chúng không làm gì mẹ đâu, mẹ ơi, cứ xuống đây”. Mụ già ấy chính là một mụ phù thủy. Mụ bảo: “Để ta ném cây gậy xuống. Người cứ lấy cây gậy đập lên lưng chúng là chúng sẽ không làm gì ta nữa đâu”. Nói rồi mụ ném xuống một cái gậy nhỏ. Chàng lấy gậy đập lên lưng mấy con vật. Tức thì chúng nằm yên và bị hóa đá ngay tức khắc. Không phải lo về mấy con vật nữa, mụ phù thủy mới nhảy xuống, lấy cây gậy đập nốt vào người chàng, biến chàng thành đá. Xong mụ rú lên cười, lôi chàng và mấy con vật xuống một cái hố, trong lòng hố có nhiều tảng đá loại ấy rồi.
Công chúa ở nhà đợi mãi không thấy chồng về, càng lo sợ. Vừa khi ấy, người anh lúc chia tay đi về hướng đông, nay cũng tới xứ này. Chàng đi tìm việc làm chẳng được, cứ lang thang đây đó, dạy mấy con vật nhảy múa làm trò vui. Một ngày kia, chàng muốn về thăm gốc cây, chỗ hai người đã cắm lưỡi dao lúc chia tay để xem em mình ra sao. Trở về đó, chàng thấy bên mặt dao của em đã bị rỉ mất một nửa, chỉ còn một nửa vẫn sáng. Chàng lo quá, thầm nghĩ: “Chắc em ta gặp nạn lớn rồi, nhưng may ra còn cứu được, vì nửa dao kia vẫn sáng. Chàng vội dẫn súc vật đi về hướng tây. Lúc tới cổng thành, lính canh hỏi có cần phải vào tin cho hoàng hậu biết không: từ mấy hôm nay, hoàng hậu rất lo vì sự vắng mặt của phó vương, người chỉ sợ phó vương đã gặp họa trong rừng mất rồi. Lính canh tưởng chàng chính là vị phó vương trẻ tuổi, vì nom chàng giống em như hệt, lại cũng có một đàn súc vật đi theo. Khi ấy chàng biết tên lính đã nhầm mình với em mình, bèn tự nghĩ thầm: “Tốt nhất là ta hãy nhận đi, sẽ càng dễ cứu em hơn”. Chàng liền để tên lính đưa mình vào trong cung và được đón tiếp rất vui vẻ. Công chúa cũng tưởng đó là chồng mình nên hỏi: “Tại sao chàng vắng nhà lâu thế?”. Chàng đáp: “Ta bị lạc vào rừng, mãi mới tìm được lối ra”. Tối đến chàng nằm trên giường em, để một thanh kiếm hai lưỡi chắn giữa mình và công chúa. Công chúa chẳng hiểu thế nào, nhưng không dám hỏi.
Chàng ở lại vài ngày, thăm dò mọi tin tức về khu rừng thiêng nọ, rồi chàng bảo: “Ta phải đến đó săn lần nữa”. Vua và công chúa muốn can ngăn mà không được. Chàng dẫn một đoàn tùy tùng rất đông lên đường. Vào đến rừng, chàng cũng gặp đúng mọi sự như em mình trước đó. Chàng thấy một con hươu trắng, bèn bảo những người đi theo: “Hãy đợi ta ở đây, ta muốn săn con thú kia”. Chàng thúc ngựa vào rừng, mấy con vật chạy theo sau chàng. Nhưng chàng không tài nào đuổi kịp được con hươu. Vào đã sâu quá, tối đến chàng phải ngủ lại trong đó. Vừa khi đốt được đống lửa, chàng nghe trên đầu có tiếng rên: “Hu, hu, hu, rét quá!”. Chàng nhìn lên, thấy mụ phù thủy ngồi trên cây. Chàng bảo: “Nếu rét, thì xuống đây mà sưởi mẹ ạ”. Mụ đáp: “Chịu thôi, lũ súc vật của người sẽ cắn ta mất”. Nhưng chàng lại bảo: “Chúng không làm gì mẹ đâu”. Mụ bèn gọi xuống: “Ta sẽ ném cho người một cái gậy, người lấy gậy ấy mà đập chúng thì chúng sẽ không làm gì ta nữa”.
Chàng thợ săn nghe thấy thế không tin mụ già nữa. Chàng bảo: “Ta sẽ không đánh mấy con vật của ta đâu, mụ hãy xuống đi, bằng không ta sẽ lôi mụ xuống”. Mụ bèn hét lên: “Mày muốn gì nào? Mày làm gì được ta?”. Nhưng chàng đáp: “Mụ không xuống thì ta sẽ bắn mụ ngã xuống”. Mụ bảo: “Mày cứ việc bắn, ta không sợ gì mấy viên đạn của mày”. Chàng giơ súng bắn, nhưng vì đạn chì nên không thể xuyên vào người mụ. Mụ cười sằng sặc và hét: “Mày không tài nào bắn trúng được ta đâu!”. Chàng thợ săn đã biết, chàng vội rứt ba cái cúc bạc trên áo nạp luôn vào nòng súng. Vì như thế, tà thuật của mụ không linh thiêng nữa, nên khi chàng bấm cò thì nó hét lên lộn nhào ngay xuống đất. Chàng dẫm một chân lên người nó, bảo: “Con mụ phù thủy già, nếu mày không chịu thú em ta hiện ở đâu thì ta sẽ sách mày quăng luôn vào đống lửa”. Mụ sợ quá, xin tha và nói: “Chàng cùng mấy con vật đã bị hóa đá ở dưới một cái hố”. Chàng liền bắt mụ dẫn tới đó, đe mụ và bảo: “Con khỉ độc già kia, giờ mày phải làm cho em ta và mọi vật ở dưới này sống lại. Bằng không ta sẽ ném mày vào lửa”.
Mụ vội lấy gậy khẽ động vào các tảng đá, tức thì em chàng với mấy con vật đều sống lại, cả nhiều người khác nữa, lái buôn, thợ thủ công, mục đồng. Mọi người đứng dậy, cảm ơn cứu mạng, rồi kéo nhau về. Hai anh em gặp nhau, ôm hôn, vui mừng khôn kể. Hai người túm lấy mụ phù thủy, trói mụ lại vứt vào lửa. Sau khi mụ chết thiêu rồi, khu rừng tự nó cũng biến đổi, trở nên quang đãng sáng sủa hơn, có thể thấy được cung điện chỉ cách đó ba giờ đường bộ.
Hai anh em cùng về. Dọc đường, hai người kể cho nhau nghe chuyện mình. Khi người em báo tin là chàng được thay vua trị vì cả nước thì anh bảo: “Điều ấy anh đã biết. Lúc anh vào thành, người ta cứ tưởng anh là chú nên đã dành cho anh mọi thứ nghi lễ của các bậc vua chúa. Ngay công chúa cũng tưởng anh là chồng nên anh đã phải ăn cùng bàn, nằm cùng giường với nàng”.
Em nghe tới đó nổi ghen, điên tiết rút kiếm chém một nhát đứt lìa đầu anh. Đến lúc thấy anh nằm chết đó, máu tuôn chảy thì anh hối hận vô cùng. Chàng kêu lên: “Anh ta đã cứu ta mà giờ ta nỡ hại người”, rồi khóc lóc thảm thiết. Thỏ chạy lại xin cho đi lấy rễ cây trường sinh. Nó đi rồi về còn vừa kịp: người chết sống lại và không biết gì về vết thương trên mình cả.
Hai người lại đi tiếp. Em bảo: “Nom anh giống em như hệt. Anh cũng mặc áo hoàng bào như em, đằng sau cũng có mấy con vật kéo theo. Ta thử vào hai cổng khác nhau rồi từ hai phía cùng đi vào chỗ vua ngự xem thế nào?”.
Hai người tách ra. Sau đó vua thấy cùng một lúc lính canh ở hai cổng khác nhau cùng báo là phó vương dẫn mấy con vật đi săn về. Vua phán: “Sao lại thế được, hai cổng thành cách nhau có đến một giờ đường bộ kia mà?”. Trong khi ấy, hai anh em từ hai phía khác nhau đã cùng vào tới trước sân lâu đài và đang cùng bước lên. Vua hỏi công chúa: “Con bảo người nào là chồng con? Hai người giống hệt nhau, ta không phân biệt được”. Công chúa sợ lắm, chẳng biết nói sao. Sau nàng chợt nhớ đến sợi dây vàng đã cho lũ súc vật để buộc cổ. Nàng tìm một lúc thấy ngay chiếc khóa vàng ở cổ một con sư tử. Nàng mừng quá, reo lên: “Người có con sư tử này đi theo mới thật là chồng con”. Phó vương cười bảo: “Đúng, đúng vậy đó”.
Mấy người cùng ngồi vào bàn ăn uống rất vui vẻ. Tối hôm ấy, lúc phó vương vào giường nằm, công chúa mới bảo: “Tại sao mấy đêm trước, đêm nào chàng cũng đặt thanh kiếm hai lưỡi giữa giường, thiếp cứ nghĩ là chàng có ý định chém chết thiếp”.
Khi ấy phó vương mới rõ hết tấm lòng của anh mình. Chân lý luôn thuộc về những con người trung hậu, dũng cảm. Những thế lực đen tối luôn bị chặn đứng trước những con người trung hậu, dũng cảm đó.