Một người đàn ông đang thất vọng cùng cực nói với một học giả: “Thế là hết! Tôi đã mất tất cả!”. Nhà học giả hỏi: “Thế anh vẫn còn nhìn thấy, nghe thấy, đi lại… được đấy chứ?”. Người đàn ông đáp: “Vâng!?”. Nhà học giả nói: “Vậy thì tôi cho là cái gì anh cũng còn, chỉ có tiền là mất!”.
Một câu chuyện thật hay, phải không bạn?
Chỉ với một cách nhìn nhận khác hẳn mà cuộc đời một người thay đổi: từ chỗ bi quan, tưởng chừng mọi thứ đã kết thúc, sang chỗ lạc quan, có thể sẵn sàng bắt tay vào làm lại từ đầu…
Sự việc thì vẫn thế, chỉ cách nhìn của chúng ta thay đổi, và thế là cuộc đời cũng thay đổi…
Trong cuốn sách Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi bạn sẽ học cách để nhìn nhận cuộc đời!
Sách hay lắm, bạn hãy đọc đi…
TÔI SẼ THA THỨ CHO CHÍNH TÔI VÀ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Chương 1: KHUÔN MẪU CƯ XỬ
Các khuôn mẫu cư xử
Hãy nhìn vào tâm trí của bạn. Khi bạn băng qua đường, bạn có tập trung vào mỗi bước đi không? Khi bạn nhai kẹo, bạn có nghĩ đến viên kẹo không? Khi bạn ăn cơm, bạn có phải nghĩ đến việc tiêu hóa nó không? Khi bạn đi ngủ, bạn có phải tập trung vào việc tiếp tục thở không?…
Bạn đâu có cần phải ý thức khi làm những việc này, đúng không? Bạn làm theo tiềm thức. Chúng ta có thể nói rằng trí óc của chúng ta giống như tảng băng. Phần chúng ta thấy là phần ý thức, và phần lớn hơn mà chúng ta không nhìn thấy là tiềm thức. Phần tiềm thức của chúng ta chịu trách nhiệm với hầu hết những kết quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống.
Khi có những chuyện lặp đi lặp lại trong cuộc sống của mình thì đó chính là phần trí óc ta phải chịu trách nhiệm. Rất nhiều người trong chúng ta có những khuôn mẫu cư xử – tức là những kinh nghiệm cũ hay hành vi giống nhau trở đi trở lại hoài.
Bạn có biết người nào mà lúc nào cũng đến muộn không? Tôi từng chơi tennis với một anh chàng luôn đến trễ. Chúng tôi định chơi tennis trước giờ đi làm ở sân Hilton. Tôi nói với anh ta: “David, chúng ta sẽ chơi tennis vào 7 giờ sáng mai nhé?” Anh ta trả lời: “Tôi sẽ đến đó”. “Anh có nghe mấy giờ chưa?”, “7 giờ sáng. Tôi sẽ đến!”
Đúng như dự đoán, lúc 7:15 sáng hôm sau David đến. Anh ta đưa ra lý do: “Con tôi mượn vợt của tôi và để dưới giường của nó”. Tuần sau cũng thế. David đến lúc 7:16. Lý do là: “Tôi chỉ tìm được một chiếc giày!”. Tuần tiếp theo, anh ta đến đúng 7:15. “Vợ tôi bệnh và thằng con khóc quá”. Và tiếp tục là pin hết, cúp điện, mất chìa khóa xe, và đồ lót bị ướt hay còn để trong máy giặt.
Rốt cuộc tôi nói: “David, chúng ta hãy giao kèo. Cứ mỗi phút anh bị trễ thì anh phải chịu phạt 1 đô la”. Anh ta bẽ mặt quá nên không bao giờ chơi tennis nữa!
David nghĩ anh ta là nạn nhân. Anh ta đã không cố gắng một cách có ý thức để đến trễ. Nhưng trong tiềm thức anh ta đã lập một chương trình luôn nói là “bạn lúc nào cũng trễ”… và chương trình đó làm chủ cuộc đời của anh ta.
Nếu David ngẫu nhiên dậy sớm và thấy mình sẽ đến đúng giờ thì chương trình bên trong này của anh ta sẽ khiến anh ta đụng phải một cái cây, lạc vào một con đường lạ. Và rồi anh ta sẽ hít sâu vào và nói “Lại thế nữa – Tôi sẽ lại bị trễ!”