Loài người đang đứng trước một thực trạng chứa đầy mâu thuẫn không ai có thể thờ ơ. Một bên là những bước tiến diệu kì của những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, đặc biệt vào nửa sau thế kỉ XX đã làm thỏa mãn nhanh chóng những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Một bên là sự hủy hoại môi trường đến mức báo động do chính sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, đã và đang chi phối một cách sâu sắc số phận của mọi sinh vật theo chiều hướng tiêu cực, nếu không có những phương hướng và biện pháp ngăn chặn kịp thời thì Trái Đất này có khả năng bị hủy diệt.
Từ phương thức quảng canh mở rộng diện tích canh tác ổ ạt dẫn tới thất bại đến việc quay lại con đường duy nhất đúng là thâm canh (đầu tư theo chiều sâu), con người đã thu được nhiều bài học đắng cay song rất bổ ích. Tuy vậy, một mặt do tiềm năng rất khác nhau nên mức độ thâm canh giữa các nước, giữa các vùng trong cùng một nước cũng không đồng đều nên nói chung đất thoái hoá nhiều hơn đất thuần thục; mặt khác thâm canh suy cho cùng lại là sản phẩm của công nghiệp hoá, trong đó hoá học hoá là mũi nhọn đứng hàng đầu, đang mang lại những hậu quả đáng lo ngại thể hiện ở chỗ đã làm dưỡng phú các nguồn nước và tích luỹ các độc tố trong đất và trong nông sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và tuổi thọ của con người.
Bởi vậy, tất cả các nước trên thế giới dù ở trình độ phát triển không giống nhau đều phải quan tâm tới việc xây dựng “một nền nông nghiệp theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững” với mục tiêu quản lí và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, định hưởng và tổ chức thực hiện sự thay đổi công nghệ nhằm đảm bảo việc thoả mãn liên tục các nhu cầu của con người thuộc các thế hệ hôm nay và mai sau.
Sự phát triển theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững ấy có hệ quả cực kì quan trọng là bảo vệ được tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên di truyền,… không những không tiếp tục hủy hoại môi trường sống mà còn hỏi phục lại được những cảnh quan truyền thống vốn có của tự nhiên, làm tăng sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của con người, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng nước, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Vì đất là “cơ sở của sản xuất nông nghiệp“, là “tư liệu sản xuất đặc biệt“, là “đối tượng lao động độc đáo”, đồng thời cũng là môi trường duy nhất sản xuất ra lương thực, thực phẩm với giá thành thấp nhất, là một nhân tố quan trọng hợp thành môi trường và trong nhiều trường hợp lại chi phối sự phát triển hay hủy diệt các nhân tố khác của môi trường nên chiến lược sử dụng đất tất yếu phải là một bộ phận hợp thành của chiến lược nông nghiệp theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững của tất cả các nước trên thế giới.
Cuốn sách này phản ánh những quy luật chung và quy luật đặc thù, điển hình cho vùng nhiệt đới ẩm Việt Nam, những tác động tích cực và tiêu cực của con người, nhằm đáp ứng một phần những vấn đề cơ bản nhất, có liên quan đến độ phì nhiêu thực tế của đất, một chuyên đề chủ yếu của chiến lược sử dụng đất, bộ phận quan trọng hợp thành chiến lược nông nghiệp Việt Nam theo quan điểm sinh thái và phát triển bên vững trong buổi bình minh của thời đại công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở nước ta.
Viện Nghiên cứu và Phổ biến kiến thức bách khoa (IRUEK) xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Viện Nghiên cứu & Phổ biến kiến thức bách khoa