Sinh năm 1926, gia nhập quân đội và đã từng tham chiến ở Đông Dương, trở về Pháp làm báo và viết sách chuyện về đề tài chiến tranh, tác giả Rô giê Bruýtgiơ (Roger Bruge) đã vận dụng thủ pháp điều tra, tiếp cận và mô tả trận Điện Biên Phủ bằng cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá của chính người trong cuộc.
Tận dụng các nguồn tư liệu có thể khai thác, những thông tin thu thập qua thư từ, lời kể, bản đồ tác chiến, biên bản ghi chép của Ủy ban điều tra về Điện Biên Phủ, tìm tới những nhân chứng quan trọng, trong đó có các tướng lĩnh, chính khách Pháp như Nava (Hen ri Navarre), người vạch kế hoạch “bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng – cha đẻ của tập đoàn cứ điểm; Đờ Caxtơri (De Castries), tư lệnh trực tiếp chỉ huy mặt trận và nhiều tướng tá, binh sĩ khác cùng thân nhân của họ, tác giả đã tái hiện sinh động và chân thực những sự kiện đã từng xảy ra tại Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm, các trạm cứu thương, tiểu đoàn chiến đấu và cả trên máy bay thả dù tiếp tế…, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Có thể coi cuốn sách là một ký sự chiến trường, với sự ra đời và thất thủ của lần lượt các cứ điểm Him Lam (Béatrice), đồi Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo (Anne Marie), đồi A1 (Éliane 2), C1 (Éliane 1)… cho đến ngày 7-5-1954, tướng Đờ Caxtơri phải ra hàng, Nava bị triệu hồi vội vàng về nước thực hiện việc rút quân. Bộ đội ta hoàn toàn làm chủ chiến trường.
Điều hấp dẫn và thú vị của cuốn sách còn được thể hiện ở những chất liệu sống mà tác giả đã chắt lọc qua thư trao đổi, hồi ức, tâm sự, phản ảnh cách xử sự, phản ứng, sự bất đồng, trong đó có cả những lời cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau giữa những sĩ quan quân đội và chính khách, làm rõ tiến trình, ý đồ chiến lược, chiến thuật từ phía quân đội Pháp, giúp người đọc không chỉ thấy rõ sự thất bại nặng nề cả về quân sự và chính trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương sau sự kiện Điện Biên Phủ, mà còn hiểu biết, cảm thông hơn về nỗi bất hạnh của những quân nhân Pháp bị đẩy tới Điện Biên, vì mưu đồ thực dân xâm lược. Lợi ích bất chính của giới cầm quyền đã biến họ thành thủ phạm, mà cũng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa. Thiết nghĩ, những trang sách tự nó đã gián tiếp chỉ ra nguyên nhân thất bại của quân đội Pháp và thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam..