Cuốn sách “Địa lý dương trạch” của tác giả Quảng Đức quả là một quyển sách hay, tác giả giải thích cho chúng ta một cách tường tận về địa lý phong thủy, về âm dương ngũ hành, la bàn bát quái, phương hướng phong thủy, các phần đều được minh họa bởi hình màu rõ ràng, giúp bạn đọc hiểu rõ một cách chắc chắn.
Tựa lời sách:
Từ hàng ngàn năm trước, con người đã ý thức được rằng các yếu tố thiên nhiên ảnh hưởng rất lớn đến họa phúc và có thể quyết định vận mạng con người. Ngay từ thời kỳ hang động, con người đã phải biết phục tùng, thích ứng với thiên nhiên để có thể sinh tồn và phát triển. Con người đã nhận thấy chỗ cư trú cần phải được che chắn để có thể tránh được gió từ phương Bắc. Đồng thời, hai bên hông cũng cần che chắn đủ để nơi cư trú được ấm hơn.
Theo quan niệm của Khoa Phong Thủy, từ nguyên thủy, con người phát sinh từ phương Bắc, cho nên một số tài liệu lưu truyền lại đều cho rằng nhà cửa phải hướng về phương Nam mới tốt. Quan niệm này chỉ đúng một phần, là vì, quả thật gió từ phương Bắc quá lạnh. Con người đã biết phải dựa vào núi làm nơi cư trú, cho nên nhà cửa phải chọn hướng Nam. Đồng thời cũng theo truyền thuyết, ngày xưa những dân tộc ở phương Nam, người Trung Hoa thường gọi là rợ Nam cần phải được khai hóa.
Các đền đài vua chúa đều quay về hướng Nam là chỉ để tiêu biểu cho sự mong ước thống trị toàn phương Nam của các triều đại ngày xưa. Càng ngày con người càng biết thích ứng với thiên nhiên, càng biết cải tạo những điều kiện hiện có của thiên nhiên để có thể tồn tại. Những kinh nghiệm thực tế được lưu truyền, tích lũy từ đời này sang đời khác, khắc sâu vào lòng người, ảnh hưởng rộng khắp trong cuộc sống, tác động vào tâm lý và hành động của con người và đó mới là tiền đồ căn bản của Thuật Phong Thủy.
Phong chính là gió và Thủy chính là nước. Gió và nước là hai yếu tố thiên nhiên vốn luôn luôn động. Đồi núi đất đai thì vốn luôn luôn tĩnh. Sự chuyển động không ngừng của hai yếu tố gió và nước đã làm thay đổi, ảnh hưỡng đến hình thể vốn cố định của đồi núi đất đai. Con người đã biết dựa lưng vào núi để tránh gió là vì kinh nghiệm cho thấy hể đâu có gió thổi vào y rằng chỗ đó xấu, nhiều tai họa sẽ đến.
Chỗ nào tốt, có sinh khí là những chỗ có nước tụ lại hoặc những chỗ có núi ôm vòng bao bọc trước sau để có thể che chắn được gió. Thế nhưng, hai thể gió và nước lại không thể tách rời được nhau là vì chỗ nào có gió mà không có nước thì chỗ đó lại bị cằn khô. Chỗ nào có nước mà gió đến thì chỗ đó sinh khí bị tiêu tán và nơi đó sẽ bị lạnh lẽo. Chỗ nào có nước tụ lại mà gió tán đi thì chỗ đó có sinh khí, đất đai màu mỡ, ấm áp, cây cỏ tốt tươi. Nước và núi thì hữu hình nhưng gió thì lại vô hình cho nên phải nhìn vào thế đi của nước và núi mới có thể biết được gió đi hay tán.
Quả thật trong thiên nhiên, hai yếu tố gió và nước ảnh hưởng thật lớn lao. Gió có thể đem phấn hoa để cây cối đơm bông kết nụ. Nước có thể đem sức sống, nuôi dưỡng cho vạn vật và con người. Nhưng gió có thể giận dũ trở thành những cơn bão gào thét tàn phá núi rừng. Nước có thể trở thành những cơn lũ san bằng làng xóm thành bình địa.