Kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm là một trong nhiều phương thức tài trợ vốn cho một công ty. Trong khi mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ các công ty hiện nay sử dụng hình thức này, thì rất nhiều chàng khổng lồ công nghệ trên thị trường như Google, Apple, Cisco Systems, Yahoo!, Netscape, Sun Microsystems, Compaq, Digital Equipment và American Online (AOL) đã thành công nhờ kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm vào thời kỳ đầu trong quá trình phát triển của mình. Một vài trong số những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay như Facebook, Twitter, LinkedIn, Zynga và Groupon là thành quả của phương thức đầu tư mạo hiểm.
Trong hơn 17 năm qua chúng tôi đã tham gia vào hàng trăm thương vụ đầu tư mạo hiểm. Sáu năm trước, sau một thương vụ đặc biệt với khá nhiều thử thách, chúng tôi quyết định viết một loạt bài dưới dạng bài viết trên blog với hy vọng sẽ làm sáng tỏ quy trình tài trợ vốn thông qua phương thức này. Thành quả của nó là chuyên mục Điều khoản đầu tư trên blog của Brad, cũng chính là nguồn cảm hứng để chúng tôi viết nên cuốn sách Đầu Tư Mạo Hiểm.
Cứ mỗi thế hệ doanh nhân mới hình thành, chúng tôi lại thấy xuất hiện những mối quan tâm mới về các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Với vai trò là một nhà đầu tư mạo hiểm tại công ty của mình ‒ Foundry Group, cũng như tham gia vào quỹ đầu tư TechStars, chúng tôi đã gặp rất nhiều doanh nhân trẻ với những mối quan tâm như vậy. Điều đó nhắc nhở chúng tôi rằng vẫn chưa có một hướng dẫn cơ bản nào cho các thương vụ đầu tư mạo hiểm cả và bởi vậy, chúng tôi càng mong muốn tạo ra một sản phẩm như thế.
Ngoài việc đi sâu phân tích các thương vụ đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đã cố gắng tạo ra những tình huống cụ thể mà những người tham gia vào cuộc chơi đó phải đối mặt, những động lực thúc đẩy họ và cả cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm nữa. Chúng tôi cũng dành cả một chương cho quá trình đàm phán để đưa ra cái nhìn của các nhà đầu tư mạo hiểm (hay ít nhất là hai chúng tôi trong tư cách đó) về quá trình này. Chúng tôi cũng bàn tới một bản điều khoản khác mà các doanh nhân may mắn sẽ có dịp được tiếp xúc – nó còn được gọi với cái tên khác là thư bày tỏ quan tâm mua lại công ty.
Chúng tôi cố gắng đưa ra cái nhìn toàn diện và công bằng giữa doanh nhân và nhà đầu tư. Với tư cách là nhà đầu tư ở những giai đoạn đầu tiên, chúng tôi biết mình đã dành nhiều ưu ái cho quá trình này, tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng đưa ra những tình huống có thể áp dụng cho bất cứ giai đoạn đầu tư nào. Ngoài ra, bất cứ khi nào có dịp, chúng tôi cũng làm vui lòng cả các luật sư.
Chúng tôi hy vọng các bạn thấy cuốn sách này hữu ích cho quá trình kiến tạo công ty vĩ đại của mình.
Khi mới bắt tay vào viết cuốn sách này, chúng tôi dự định hướng nó tới những doanh nhân trẻ mới bắt đầu gây dựng doanh nghiệp đầu tiên của mình. Chúng tôi đều đã có một quá trình lâu dài làm việc với họ, và thường là chúng tôi học hỏi từ họ nhiều hơn những gì họ học hỏi được từ chúng tôi. Trong quá trình tham gia vào quỹ TechStars, chúng tôi đã được nghe họ đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh chủ đề tài trợ vốn và đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều người đọc bản thảo đầu tiên hoặc chỉ mới nghe nói chúng tôi đang viết một cuốn sách về chủ đề đó đã đưa ra những phản hồi hữu ích và khẳng định với chúng tôi rằng họ đã rất mong muốn có một cuốn sách như vậy khi bắt tay vào gây dựng công ty đầu tiên. Khi được hỏi: “Nếu giờ có một cuốn sách như thế còn giúp gì được anh không?”, rất nhiều người không ngần ngại trả lời: “Có chứ, chắc chắn rồi.” Rất nhiều chương trong cuốn sách này, trong đó có cả chương về đàm phán, hay về cơ chế hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, là kết quả của những bữa ăn tối và trao đổi với những doanh nhân giàu kinh nghiệm, những người luôn mong muốn những kinh nghiệm của mình được viết ra, trên blog của chúng tôi hoặc là trong một cuốn sách nào đó. Và như vậy – cuốn sách này đã ra đời!
Đương nhiên, trước khi trở thành một doanh nhân trẻ, người đó trước hết phải có khát vọng trở thành doanh nhân. Cuốn sách này còn dành cả cho những ai đang có khát vọng như thế, ở bất cứ lứa tuổi nào. Thêm vào đó, bất cứ ai còn đang ngồi trên ghế nhà trường dù đó là bất cứ ngành nghề nào – kinh doanh, luật sư, các chương trình phổ thông hoặc những bậc học cao hơn – nếu quan tâm đến kinh doanh đều sẽ học được điều gì đó bổ ích từ cuốn sách này. Chúng tôi đã giảng dạy rất nhiều lớp học về rất nhiều chủ đề được nói đến trong cuốn sách này và hy vọng nó sẽ trở thành tài liệu tham khảo tiêu chuẩn cho các lớp dạy kinh doanh.
Chính chúng tôi cũng từng là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Và chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều nhờ chú ý quan sát những người có nhiều kinh nghiệm, cũng như bằng tinh thần luôn tích cực tham gia vào công việc. Chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ trở thành một công cụ trong túi đồ nghề của các nhà đầu tư mạo hiểm trẻ tuổi và cả những người đang mong muốn trở thành nhà đầu tư.