Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, lịch sử đã ghi nhận đây là một thời kỳ loạn lạc với sự tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến, sự đụng độ của các mâu thuẫn giữa các thế lực dẫn tới sự cát cứ ở các vùng, nạn đói triền miên, các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn.
Trong bối cảnh phức tạp ấy, đã xuất hiện một nhân vật lịch sử ghi dấu ấn đậm nét trong thế kỷ này, đó là Nguyễn Hữu Chỉnh. Đây là một nhân vật mà các sử gia phong kiến và nhiều nhà nghiên cứu đã tốn rất nhiều giấy mực để bàn luận. Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu chuyện dã sử truyền lại về cuộc đời ông, đặc biệt cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí đã dành khá nhiều trang kể về ông gắn với các sự kiện lịch sử thời bấy giờ.
Đa phần các đánh giá về ông thường dưới góc độ, ông là con người có tài nhưng trí trá, xảo quyệt, không đáng tin. Thậm chí những tác động của ông tới lịch sử thường được miêu tả thoáng qua, chỉ vài ba dòng, còn chủ yếu đi sâu khai thác tính cách của cá nhân ông gắn với những toan tính cá nhân.
Thật ra, cuộc đời của Nguyễn Hữu Chỉnh cho thấy, ông là một nhà chính trị biết nhìn xa trông rộng. Sau khi nắm quyền lớn trong triều, ông đã mở chế khoa để kén chọn nhân tài. Ông là người quyền biến, khi nhu, khi cương, rộng lượng với những kẻ đối nghịch mình như Nguyễn Đình Giản, Hoàng Phùng Cơ. Về hành vi đối nghịch của Nguyễn Đình Giản, Nguyễn Hữu Chỉnh tìm hiểu, khoan dung, chứ không giữ oán thù riêng. Ông vừa sáng suốt, vừa rộng lượng, khôn khéo, biết thu phục lòng người khiến triều đình thời kỳ này “có vẻ phồn thịnh như thời bình”. Thậm chí, khi vua Lê mưu giết ông rồi nghe can gián lại thôi, sợ ông giận, đã sai người đi phân trần, ông đã nói: “Nay bốn bể giặc giã, hãy gác chuyện ấy lại”. Rõ ràng, ông đã dẹp ân oán sang một bên để lo việc nước.
Ông là người giỏi dụng binh, nổi tiếng là tướng tài đánh đâu được đấy, nghề thủy vào bậc vô dịch, luôn luôn thắng trận nên mới có danh hiệu “con cắt biển”.
Nhiều sử gia đã miêu tả nhân vật này là người “ức hiếp vua còn hơn Chúa Trịnh” nhưng thực sự, chưa bao giờ ông leo lên ngồi cạnh vua, ông cũng chưa hề giết Hoàng Thái tử như Trịnh Sâm. Nhiều việc ông làm không tâu với vua trước, nhưng nếu ông làm như vậy cũng vì thấy vua chẳng tha thiết gì đến việc nước.
Đặc biệt chi tiết trước khi nhổ thuyền vào Nam theo Nguyễn Nhạc, ông đã cho gọi hết quân lính dưới quyền ra bờ sông nói rõ duyên cớ, để lại cho mỗi người một quan tiền cho thấy ông là người có từ tâm và chu đáo với người dưới. Ngay khi vâng lệnh vua đi đánh Dương Trọng Tế, ông cũng căn dặn thuộc hạ không cần nhọc sức quân, cấm quân không được nhũng nhiễu dân.
Với Nguyễn Huệ, ông tỏ ra thực thà đến vụng về khi nói: “Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi”. Đó là sự thực, vì vua mấy lần phải triệu ông ra cáng đáng việc nước. Điều này chứng minh ông không hề nghĩ đến chuyện bỏ Tây Sơn, chỉ là sau này, bị Tây Sơn bỏ rơi, ông mới nghĩ đến cách khác để tồn tại.
Thực tế cho thấy, đây là một nhân vật có tính cách không đơn giản. Những toan tính và các việc ông làm khách quan dã có tác động tới lịch sử. Có thể nói, Nguyễn Huệ là người đầu tiên có công thống nhất đất nước, dẹp sự cát cứ thì trong công ấy, có phần của Nguyễn Hữu Chỉnh khi ông tư vấn cho quân Tây Sơn chiếm Thuận Hóa và nhân đà nêu khẩu hiệu “Diệt Trịnh phù Lê” mà tiến ra Bắc Hà.
Kết cục bi đát của ông đã được một nhà viết sử mô phỏng câu nói của Chu Du trong Tam Quốc khi so sánh với Gia Cát Lượng: Vì sao trời đã sinh ra Huệ còn sinh ra Chỉnh, để giải thích cho sự thất bại của ông.
Nhận định về nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh có nhiều ý kiến, thậm chí trái ngược nhau. Cuốn sách này không nhằm chứng minh Nguyễn Hữu Chỉnh có phải là một anh hùng trong thời loạn hay không mà chỉ dựa trên tư liệu lịch sử, dã sử và các cuốn sách của người đi trước, cố dựng lại bối cảnh mà nhân vật này đã sống, giúp bạn đọc nhìn nhận đôi phần về những gì đã qua để hiểu thêm lịch sử nước nhà.
Rất mong nhận được sự góp ý phê bình của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.