Trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp hiện nay, các nhà quản lý cấp trung (giám đốc chức năng, trưởng phòng, trưởng nhóm, tổ trưởng…) chính là cánh tay nối dài của Hội đồng Quản trị – Giám đốc. Họ là những người tổ chức hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chuyên môn trong sự quản lý và tạo động lực cho nhân viên dưới quyền. Đồng thời họ là những người truyền cảm hứng, huấn luyện và phát triển nhân viên, nâng cao giá trị văn hóa doanh nghiệp. Là người kiểm soát chặt chẽ nhất các hoạt động cụ thể từng vị trí.
Thực tế, nhiều nhà quản lý cấp trung rất xuất sắc trong công việc, nhưng họ tự thấy rằng đôi lúc họ còn gặp khó khăn trong việc:
Thu hút sự chú ý, gây ảnh hưởng hoặc thuyết phục những lãnh đạo cấp cao.
Quá nhiều sức ép, áp lực công việc, nhiều nhiệm vụ chồng chéo, không đủ nhân lực.
Có chức vụ nhưng không có quyền hạn.
Truyền lửa nhưng chưa truyền nhiệt huyết cho cấp dưới.
Chưa có quyền lực đối với nhân viên, hơi thiên về tình cảm trong công việc.
Chưa thực sự được trao quyền về mặt tài chính.
Tất cả những vướng mắc trên sẽ được giải đáp trong Quản trị ngược. Trong cuốn sách Dẫn Dắt Sếp, John Baldoni – chuyên gia tư vấn về lãnh đạo tầm cỡ quốc tế sẽ mang đến cho các bạn cách thực hiện bước nhảy vọt từ vị trí khiêm tốn hiện tại (chuyên gia kỹ thuật, nhà sản xuất) tới vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn, gây được sự chú ý và được mọi người tán dương. Cuốn sách vô giá này sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng cân bằng, sự bền bỉ, ý chí và niềm đam mê phong cách lãnh đạo mang tên “quản lý cấp trên”. Phong cách đó được hình thành từ những nhà quản lý cấp trung, vị trí đòi hỏi phải gây được ảnh hưởng tới sếp, đồng nghiệp và cả cấp dưới, những người có tác động tích cực đến sự cam kết cũng như những đóng góp của bạn. Quản lý cấp trên, tức là phải xây dựng được phẩm chất khiến người khác luôn khâm phục và được đánh giá là liêm chính, nghị lực, cảm thông, và đặc biệt là khả năng tư duy tổng hợp…
Cuốn sách chứa đựng kiến thức lãnh đạo tinh tế và những chiến lược thiết yếu nhằm củng cố niềm tin cho mọi người để mang lại kết quả tốt đẹp cho bản thân, nhân viên và sếp của bạn. Như Patricia Aburdene trong cuốn 7 đại xu hướng 2010 đã nói, nhà quản lý cấp trung là “thủ lĩnh của sự thay đổi, là chủ thể thúc đẩy bậc thầy, rất linh hoạt cực kỳ chú trọng kết quả và sẵn sàng phá vỡ quy tắc…”.
LỜI NÓI ĐẦU
Lãnh đạo là người luôn kiên định khi hầu hết mọi người đã dao động.
Tổ chức của bạn đang cần một kế hoạch phân bổ nguồn lực chiến lược. Với ngân sách giới hạn và số lượng nhân sự đang bị cắt giảm, bạn cần tập trung vào những dự án mà bạn cho rằng nên theo đuổi và có tiến độ thời gian phù hợp. Bạn đã thảo luận việc này nhiều lần với sếp, nhưng vì một số lý do nào đó mà cô ấy chẳng có động tĩnh gì cả.
Vậy bạn sẽ làm gì?
Bạn cần phải hành động. Hãy định hướng cho sếp. Hãy lập các kế hoạch riêng của bạn và gửi cho cô ấy phê duyệt. Và nếu cô ấy phê duyệt, thì bạn hãy xin phép xúc tiến kế hoạch đó. Bằng cách này, bạn đang lấp đầy các khoảng trống lãnh đạo thông qua những hành động kịp thời và quyết đoán. Bạn đang thể hiện những gì cần để lãnh đạo sếp của bạn.
Như bạn sẽ khám phá trong cuốn sách này, Quản trị ngược thực sự là một cẩm nang cho các nhà lãnh đạo cấp trung. Những nhà lãnh đạo cấp trung luôn phải suy nghĩ về toàn cục và có thể tiến hành những việc giúp cho công việc hoàn thành cũng như giúp sếp và đồng nghiệp thành công. Thường thì, những người đó sẽ lãnh đạo ông chủ của họ, thậm chí họ cũng có thể lãnh đạo ông chủ của ông chủ thông qua những các nhân viên cấp dưới hoặc thông qua đồng nghiệp. Những người thành công trong việc lãnh đạo từ cấp trung cũng là những nhà quản lý khéo léo và thành thạo; họ sử dụng các kỹ năng quản lý của mình để thiết lập mục tiêu, kế hoạch dự án, tổ chức nhân sự và tiến hành các dự án theo đúng tiến độ và ngân sách.
Làm được điều đó không dễ, nhưng sẽ là khả thi nếu bạn suy nghĩ và hệ thống lại mục tiêu cũng như cách thức thực hiện. Nghĩa là, không phải bạn đang hành động cho chính mình, mà bạn đang hành động vì lợi ích của tổ chức. Điều này đòi hỏi sự chủ động, khả năng thuyết phục, tầm ảnh hưởng, sự kiên trì và niềm đam mê. Kết hợp được những điều đó chính là thứ mà các chuyên gia gọi là “quản trị ngược”.
“Quản trị ngược đòi hỏi lòng can đảm và quyết tâm lớn lao”, Michael Useem viết. Ông là giáo sư của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng đã phổ biến khái niệm “Chúng ta có thể lo sợ cấp trên của mình sẽ trả lời như thế nào, chúng ta có thể nghi ngờ quyền lãnh đạo ngược của mình, nhưng tất cả chúng ta đều mang một trách nhiệm là làm những gì chúng ta có thể cho đến khi nó tạo nên sự khác biệt.”
Các cá nhân lãnh đạo ngược là những người chứng minh được rằng họ nhận thức được bức tranh lớn hơn, đã sẵn sàng, quyết tâm, và có thể làm những việc cần thiết vì lợi ích của nhóm. Các cá nhân đó sẽ chứng minh dũng khí của họ khi đến thời điểm thích hợp. Khi lãnh đạo ngược từ cấp trung, cần xem xét ba câu hỏi dưới đây:
Nhà lãnh đạo cần làm gì? Các sếp phải chịu trách nhiệm về nhân viên của mình cũng như điều hành mọi thứ đi đúng hướng. Khi là một nhân viên cấp dưới, hãy tự hỏi bản thân: Sếp cần làm gì để công việc đạt hiệu quả hơn? Điều này sẽ khiến bạn phải suy nghĩ một cách có chiến lược cũng như hành động một cách có chiến thuật hơn.
Nhóm cần làm gì? Lý tưởng nhất là cả đội cùng trợ giúp lẫn nhau. Điều này khó thực hiện được do cái tôi của mọi người sẽ xung đột với nhau. Sếp thường phải dành thời gian xoa dịu mối bất hòa giữa các thành viên. Tuy nhiên, nếu một thành viên trong đội tự đứng lên làm công việc “xoa dịu” đó thì sếp sẽ rảnh rang để chú tâm vào công việc chính.
Tôi có thể làm gì giúp cấp trên và cả đội thành công? Câu trả lời có thể là bạn nhận trách nhiệm làm thêm một phần công việc hoặc nhường phần công việc đó cho một người khác. Ví dụ, nếu cả đội đang cùng nhau tập trung làm một việc trong khi một mình bạn lại đang tiến hành một việc riêng. Hãy từ bỏ việc riêng để có thể dốc toàn lực.
Sử dụng những câu hỏi đó trong kế hoạch hành động sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp lãnh đạo sếp mà vẫn khiến sếp thấy thoải mái, đội của bạn đạt được thành công và bạn sẽ trở nên nổi bật vì biết cách khiến cho công việc vận hành suôn sẻ.