Đọc “Cội Nguồn Cảm Hứng” rất nhiều đoạn, người đọc bị rơi vào một cảm giác… chơi vơi. Chơi vơi trong cái không gian tự do mênh mông mà tác giả đang diễn giải, chơi vơi trong cảm giác không với tới được, không nhận cảm hết được miền tự do mênh mông ấy. Đúng như ông Nguyễn Trần Bạt viết: “Tự do là cái mà trí tưởng tượng của con người luôn vươn tới, hay nói cách khác, trong trí tượng của mình, con người luôn cảm thấy đằng sau nó vẫn còn nó.”
Khi đặt bút viết quyển sách này, tôi như con chim hót những tiếng hót được khích lệ bởi âm thanh tự do của các bậc tiền bối như John Locke, Baron de Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill… Những tiếng hót ấy còn mang âm hưởng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử lâu dài, quyết liệt trong việc giành tự do. Những tiếng hót ấy chất chứa tình yêu đối với con người và thân phận con người. Những tiếng hót ấy là sự trăn trở trong quá trình đi tìm những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống con người và sự hình thành các giá trị con người.Tôi viết bằng cả tấm lòng của mình, bên ngoài mọi động cơ, kể cả động cơ hàn lâm.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, giáo sư Trần Ngọc Hiên và các nhà hoạt động xã hội khác, những người đã có những góp ý khoa học cho cuốn sách này. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhà xuất bản Hội nhà văn đã kỳ công biên tập và đưa ra những góp ý xác đáng. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cuốn sách này ra đời.
Hà Nội tháng 10-2008