Ngày xưa có một nhà nông phu nghèo ở Gò Sặt, tỉnh Bình Định có một đứa con trai tên là Lía. Từ thuở lọt lòng, Lía đã mồ côi cha nhưng chóng lớn và khỏe mạnh. Năm lên bảy, một mình Lía có thể hạ bọn trẻ cùng lứa tuổi trong những keo vật. Một vài năm sau tất cả những đứa trẻ trong vùng đó đều sợ Lía. Một hôm, Lía đấu võ với một đứa lớn tuổi. Lía dồn địch thủ vào một thế rất nguy làm cho nó hốt quá phải van lên:
-Tôi lạy anh, anh tha cho, tôi xin gọi anh là vua! Từ đó cái tên “vua Lía” được bọn trẻ hay dùng. Chúng nó ngày ngày làm kiệu khênh Lía đi chơi khắp nơi. Một người hàng xóm mách tin đó cho mẹ Lía biết và nói:
-Chao ôi! Bà liệu chừng cái đầu của mẹ con bà đó! Mẹ Lía đâm hoảng:
-Chết tôi! Lạy trời cho nó đừng sinh ngụy.
-Bà cho nó đi học đi. Đem gửi nó cho ông đồ, ông ấy kèm cho!
Từ đó, Lía phải đi học. ông đồ tuy đã dữ đòn nhưng Lía không sợ. Chàng thích học võ hơn là học chữ. Chàng thường lén thầy ra vườn, đi những bài quyền học lỏm được của người khác. Mấy luống rau của ông đồ chả còn một cây nào mọc được. Một hôm, giữa lúc bị thầy nọc cổ xuống đánh, Lía giật lấy roi bẻ vụn ra từng khúc, ông đồ nhìn Lía tắc lưỡi. Ngay hôm đó ông dắt đứa học trò cứng đầu ấy đến trả cho mẹ nó. Lía khoái chí vì ngày ngày khỏi phải ê a chán ngắt. Chàng lại cầm đầu bọn trẻ đùa nghịch như xưa. Một hôm, Lía chọn mấy đứa lớn khỏe, cùng mình lên núi vắng đón những người lạ mặt đi chợ về cướp lấy gánh gồng tay nải. Được thứ gì, Lía thường chia cho anh em cùng hưởng. Người ta lại mách cho mẹ Lía biết. Lần này mẹ Lía hết đánh con đến van vái con. Lía thề xin chừa. Chàng rất thương mẹ, không muốn để mẹ cực khổ về mình. Nhưng rồi chứng nào vẫn giữ tật ấy. Cuối cùng mẹ Lía bắt Lía đi ở chăn trâu cho một nhà giàu ở một làng khác thật xa, ở đây Lía lại có bạn mới. Mỗi ngày chàng cùng bạn phải lùa đàn trâu lên núi cao cho ăn. Sau những cuộc đua chọi bằng đánh cù đánh vật, bọn trẻ ở đây tôn Lía làm đàn anh. Dần dần chàng cùng bọn chúng đón đường cướp giật tay nải của những người bộ hành đi lẻ tẻ trên những con đường vắng vẻ. Một hôm, Lía hứa với bạn ngày mai sẽ đãi tiệc. Chúng chỉ phải chuẩn bị dao nồi và mắm muối. Hôm sau, khi chúng tập hợp đầy đủ, Lía bảo: “Chúng mình làm thịt nghé ăn chơi!” Chúng nói: “Không sợ chủ nó bắt đền à?”
-Cứ ăn ngay con nghé của chủ tao, tội vạ tao chịu”. Nói rồi giết ngay con nghé tơ xẻ thịt nấu ăn. Chàng bảo chúng:
-Về nhà cứ nói hộ tao rằng cọp tha mất nghé là đủ. Lần ấy quả có “động rừng” cho nên mưu của Lía đắt. Người nhà giàu tìm nghé mãi không được, tin là bị hổ vồ nên không căn vặn gì lắm.
Được ăn quen mùi, chúng giở mưu đó làm đi làm lại hết nghé chủ này đến bò nhà khác. Cuối cùng bọn chủ biết được. Chúng bắt đền cha mẹ bọn trẻ. Người ta hay chuyện, ai cũng giận Lía, toan bắt giải quan. Nghe tin không hay, Lía bỏ trốn biệt. Khi bước về nhà, Lía thấy mẹ đang nằm trên giường bệnh rên khừ khừ. Chàng lại dùng lối cướp giật kiếm tiền mua thuốc. Được của ngon vật lạ, Lía đều đưa cho mẹ ăn. Mẹ hỏi: “Mày lấy ở đâu ra thế?”. Lía nhất định không nói, chỉ năn nỉ mẹ ăn cho là đủ. Sau khi mẹ chết, Lía không còn kiêng nể một ai nữa. Đói thì đi cướp giật để ăn, siêng thì ra đồng luyện võ nghệ. Một hôm, Lía giật cái thúng trong đó có mấy quan tiền của một người qua đường. Thấy người ấy òa khóc, chàng gạn hỏi mới biết là anh ta vừa bị một tên chánh tổng cướp đoạt gia sản nay bị đuổi ra khỏi nhà, lưng vốn chỉ còn có bấy nhiêu. Nghe kể chuyện, Lía bừng bừng nổi giận. Mặc dầu bụng đói, chàng trả tiền cho người lạ rồi dò hỏi tìm đến đánh vỡ đầu tên chánh tổng. Quan trên vì việc ấy sai một toán lính về bắt Lía. Nhưng khi về đến làng, bạn của chàng đã tin trước cho chàng đi trốn. Lía không có họ hàng thân thích nên khi bỏ nhà ra đi, chàng không có chỗ ở nhất định.
Tối lại ngủ chùa ngủ đình, đói ở đâu thì cướp ở đó. Một hôm đi qua truông Mây, Lía thấy một bọn cướp chặn đường đòi tiền mãi lộ. Chàng vờ sợ hãi đưa tay nải ra. Nhưng bọn cướp vừa xông lại liền bị chàng cho mỗi đứa một đá văng ra bốn phía. Cả bọn cướp ở trên núi kéo xuống bổ vây nhưng bị Lía nhổ cây làm gậy đánh cho thất điên bát đảo. Chủ trại thấy võ nghệ chàng tuyệt trần bèn mời chàng nhập bọn. Lía vui lòng dừng chân lại đây để chấm dứt cuộc đời lang thang. Ba người chủ trại tên là Hồ, Nhẫn và Chân có tiếng võ nghệ cao cường không ai địch nổi. Trong mấy năm họ đóng ở truông Mây mọi người đều sợ. Cả đến quan tỉnh quan huyện cũng đều kiềng mặt. Người ta gọi tôn là “cha Hồ, chú Nhẫn, mẹ Chân”. Từ lúc Lía nhập bọn, bọn cướp truông Mây càng thêm vây cánh và càng lộng hơn trước. Một hôm, bọn họ kéo nhau ra Bồng Sơn cướp một tiệm buôn lấy được của cải và hàng hóa bộn bề. Trở về trại, họ mở tiệc ăn mừng. Khi chia những của cướp được, bọn cha Hồ toan chiếm lấy phần nhất. Nhưng Lía nhất định không chịu: “Nếu không có tôi -chàng nói -thì các chú đã dám vào nhà chưa?”. Rồi Lía đòi ba chủ trại hãy ra sân cùng mình tỉ thí. Quả nhiên, trong cuộc đọ sức, sức khỏe và võ nghệ của Lía mười phần, bọn cha Hồ không được một. Thấy Lía toàn tài, cả trại đồng thanh tôn chàng làm chủ. Từ ngày Lía làm tướng, hành động của bọn cướp truông Mây có phần thay đổi. Lía cấm lâu la không được cướp giật của những người qua lại, không được cướp của cải của người nghèo: “Đã cướp -chàng nói -chúng ta làm những mẻ cho to, gõ vào đầu bọn trọc phú, cần gì đi vét hầu bao của những kẻ khố rách?”. Thường khi cướp được nhiều của, Lía bắt trích một nửa phân phát cho những người nghèo trong vùng. Chẳng những thế, mỗi lần trong tỉnh xảy ra việc gì mà Lía cho là trái lẽ chàng liền kéo bọn truông Mây đến can thiệp.
Từ đó, cái tên truông Mây, cái tên Lía được dân nghèo ca tụng. Trái lại, bọn quan lại, bọn nhà giàu trong tỉnh thì sợ mất mật. Quan tỉnh nhiều phen phái quân đến tiễu trừ nhưng mỗi lần xuất quân đều bị họ biết trước và bị họ đánh cho tan tác. Bọn quan tỉnh không làm thế nào được, muốn báo về triều đình nhưng lại sợ tội trút lên đầu nên đành để mặc Lía và thủ hạ tung hoành.
* * *
Ít lâu sau, nghe tin nhà vua mở khoa thi võ, Lía có ý muốn trổ tài với thiên hạ, lập chút công danh. Bọn cha Hồ không cản được, đành ở lại giữ trại cho Lía cải trang ra đi. Khoa ấy ở trường Bình Định có một viên chánh chủ khảo ăn tiền như rái. Thí sinh ai có lo lót ít nhiều, hắn mới chịu nhận đơn. Thấy Lía nạp đơn không có “vi thiềng”, chánh chủ khảo đập bàn, quát: “Mày là thằng nào mà không biết lệ trường thi. Đơn từ làm dốt nát thế này. Lính đâu, đuổi cổ thằng này không cho thi nữa”. Nghe mấy lời đó, Lía căm tức vô hạn, nhưng giữa nơi quân lính đông đảo, gươm giáo sáng lòe, chàng đành nuốt giận không dám ra tay. Chàng đi gấp về sơn trại kể việc đó cho bọn cha Hồ nghe và nhất định đem lâu la xuống núi rửa hờn. Cả bọn cải trang rất khéo và hoạt động rất kín đáo. Chỉ vào khoảng nửa đêm, quân của Lía đã lọt vào thành và phục sẵn, chờ lệnh Lía là hành sự. Chánh chủ khảo đang ngon giấc với nàng hầu thì bị một nhát dao vào cổ. Vợ hắn chỉ còn biết dập đầu van lạy. Thấy nàng đẹp, Lía bắt luôn đưa về sơn trại làm vợ. Mọi việc quá êm lẹ nên mãi đến gần sáng quan quân mới biết.
Suốt tỉnh náo động. Sau cùng dò la mãi người ta mới biết rằng bọn cướp truông Mây gây ra việc đó. Lần này không thể giấu được triều đình, bọn quan tỉnh phải làm sớ tâu vua và xin thêm quân để tảo trừ. Bên phía quân truông Mây cũng lo đắp đồn luyện quân để phòng thủ sơn trại. Vì thế quân đội triều đình mấy lần xông xáo đều bị thất bại. Các quan ai cũng lấy làm lo. Nếu không lập mưu diệt Lía thì bọn họ không thể nào còn ngồi ấm chỗ. Nghĩ rằng nếu dỗ được vợ Lía làm nội ứng hẳn rất có lợi, các quan đầu tỉnh bàn nhau sai ba tên lính giả làm lái buôn lụa để dò bụng nàng. Ba tên này nhờ lo lót với bọn canh cửa nên lọt qua truông Mây vào bán hàng cho vợ Lía để dò ý. Giữa khi giở các súc gấm vóc cho vợ Lía xem, bọn chúng cố ý để lộ cho nàng thấy một chiếc nhẫn của chánh chủ khảo để lại. Người đàn bà hiểu ý, sai đuổi kẻ hầu ra ngoài. Bọn chúng đưa mắt cho nàng và nói nhỏ: “Chúng tôi lặn lội lên đây là vì mối thù của bà lớn”. Đoạn chúng móc trong tầng áo lót, đưa ra một phong thư của quan tỉnh hứa với nàng nếu làm nội ứng trừ được giặc, sẽ có trọng thưởng. Vợ Lía nhận lời và hẹn ngày thi hành kế độc. Đến ngày ấy, vợ Lía sắm sửa một tiệc rượu rất linh đình mời bọn cha Hồ, chú Nhẫn, mẹ Chân đến dự, nói là ăn giỗ mẹ. Nàng ăn mặc rất đẹp, liếc mắt đưa tình và chuốc chén mời mọi người. Bọn Lía không ngờ là độc kế, cứ uống tràn. Rượu đã có tẩm thuốc mê nên chưa tan tiệc mà bốn chủ trại đã say khướt, không còn biết gì trời đất. Vợ Lía cho bọn lâu la hạ tiệc xuống, ra sau trại ăn uống cùng nhau. Còn lại một mình, nàng lấy thừng lớn trói bọn cha Hồ với nhau làm một đống. Về phần Lía, biết chàng có sức khỏe phi thường nên nàng dùng mười lớp dây thừng buộc chặt vào tấm phản. Xong đâu đó, nàng cho người tâm phúc ra khỏi sơn trại báo tin. Nghe báo, quân triều đình lập tức tiến công. Quân truông Mây không có tướng nên tan vỡ rất chóng. Quân triều đình kéo ùa vào trại như vào chỗ không người.
Bấy giờ Lía đã hơi tỉnh. Thấy nguy biến, chàng định vùng dậy chạy, nhưng toàn thân mắc cứng vào tấm phản. Biết là đã rơi vào bẫy, Lía bèn dùng hết sức bình sinh dãy đứt dây buộc chân rồi đứng dậy mang cả tấm phản lớn sau lưng. Chàng húc mấy cái vào cột nhưng dây buộc chặt quá không thể làm gì được. Thấy đã quá gấp, Lía cứ để vậy chạy ra phía cửa trại phá vòng vây xông ra. Tấm phản là một chướng ngại lớn cho chàng, nhưng cũng là tấm mộc rất tốt. Mấy tên lính thứ thì bị cái đá của Lía, thứ thì bị tấm phản húc vào đầu nên toáng đảm không dám đuổi, đành trở vào bắt bọn cha Hồ, chú Nhẫn, mẹ Chân giải nạp. Thoát vây, Lía cứ rừng già chạy một mạch. Mãi đến xế chiều bụng quá đói, sức quá mệt, chàng mới dừng lại nghỉ bên bụi cây. Gặp một ông già gánh củi từ rừng sâu xăm xăm bước ra, Lía nhờ ông cởi trói giúp. Khi tấm phản rơi xuống, ông già rút mo cơm ra cho chàng ăn. Lía không từ chối đón lấy ăn ngay. Ăn xong chàng vái ông già và nói:
-Tôi là thằng Lía, lâu nay vẫy vùng một cõi không ai làm chi nổi, nay mắc mưu một đứa nhi nữ, thân thế phải đến nỗi này sống làm chi nữa cho thêm nhơ nhuốc. Lía này nhờ được ông cởi trói lại nhịn bữa cho ăn, ơn ấy không biết lấy gì mà trả. Vậy Lía xin dâng vật này, ông hãy mang xuống nạp quan mà lĩnh thưởng.
Cụ già vừa nghe dứt lời thì đã thấy thủ cấp của Lía nằm ngay trước mặt, ông cụ vốn yêu quý Lía. Ông toan giúp Lía đi trốn để khôi phục cơ đồ nhưng không ngờ Lía quá nóng nảy tự hủy tấm thân. Than khóc hồi lâu, ông chỉ còn biết đem thi thể của chàng chôn cất một nơi kín đáo không cho ai biết.
Ngày nay vẫn có ca dao: Chiều chiều én liệng truông Mây, Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.