Tuy nổi tiếng về nhiều phương diện, Trần Huy Liệu lại là con người không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng toàn vẹn.
Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm hay vẫn chỉ là anh nói chí kiểu nhà Nho? Về phương diện chính trị, ông bồng bột nông cạn hay là nhìn thấy nhiều vấn đề quá sớm? Về sử học, ông có đóng góp gì về phương pháp, hay chỉ là người tập hợp tư liệu đơn thuần? Về phương diện người tình, ông có là một kẻ phiêu lưu “đi không đến nơi về không đến chốn”, chẳng thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu? Tất cả những câu hỏi đó khó bề giải quyết cặn kẽ, nếu không thấy cái ý nghĩa chủ yếu, nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu, rằng đó là một con-người-tìm-kiếm.
Vì vậy tìm kiếm con người Trần Huy Liệu là việc không dễ, thấy rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó…
Trích dẫn :
Ở tỉnh Nam Định, Vụ Bản là một huyện nghèo bởi thuần nông. Trên cánh đồng đất pha cát, lúa ngô, khoai, kê, đậu, lại quanh năm gối vụ. Chen giữa cánh đồng có mấy ngọn đồi Gôi, Tiên Hương, gọi là “núi”. Những con sông máng chảy chậm chạp. Đói nghèo, có lẽ là một cái cớ để người ta trọng sự học và tin vào cõi siêu nhiên. Có lẽ Vụ Bản đứng đầu tỉnh về số các vi khoa bảng và về lượng đình, đền chùa cổ kính. Ấy là ngày xưa. Còn bây giờ, riêng một xã Liên Minh, xưa gọi tổng Hào Kiệt, đã sản sinh ra các nhà văn Vũ Cao, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Văn Ký, Văn Cao…, hàng chục hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật.
Xửa xưa xưa, thời vua Hùng, Vụ Bản là huyện Bình Chương, sang thời Lý – Trần thành huyện Hiển Khánh. Có câu “Côi sơn hải khẩu” tức núi Côi (Gôi) hồi đó đã là cửa biển, trong lòng đất hiện thời còn nhiều vỏ hà, trai. Xa xa, giữa sóng mặn nhô lên một vùng phù sa, càng ngày càng dầy dần lên. Kh i cồn đất ấy nhập hẳn vào đất liền, đã có người ra khẩn hoang, người ta gọi luôn tên nó là Kẻ Dầy: Ngày nay, có thể tưởng tượng ra sự hình thành lâu dài và thú vị này khi ra cửa Ba Lạt đằng Giao Thủy, nơi sông Hồng đổ ra biển. Cách độ nửa tiếng chèo thuyền tay, ta sang đến cồn Xanh, nơi đã được trồng phi lao chi chít. Xa hơn, thắm trong tầm nhìn là cồn Mờ, cư dân nông nghiệp chưa kiếm lợi nhờ được chút nào.
Thiên Bản – tên cũ của Vụ Bản – có sáu nhân vật lạ lùng, gọi “Thiên Bản lục kỳ”. Đó là Tam Danh (còn gọi Tam Ranh hay Tam Bành) đại tướng cô hồn Sừng Sỏ Sắt ở làng Bảo Ngũ, xã Quang Trung ngày nay, Cường Bạo đại vương ở làng Bối La, xã Cộng Hòa , trạng Lường Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương, xã Liên Bảo, bà chúa Thông Khê Trịnh thái phi Trần Thị Ngọc Đài ở làng Thông Khê, xã Cộng Hòa, quận công Ngô Minh Điền ở làng Bảo Ngũ, xã Trung Thành, và Bà Chúa Liễu Hạnh . “Thiên Bản lục kỳ” người thì giỏi giang thông minh, làm nên việc lớn cho đời, người có phép lạ tung hoành khắp đó đây. Hơn người thì lạ, đã đành, họ lại chả giống mấy với những thành hoàng kỳ nhân hằng được thờ phụng trong thiên hạ. Mang những đặc tính của người bình thường, họ hiển thánh với đầy đủ “ưu khuyết điểm”, vừa lớn lao, bao dung, vừa tị hiềm chấp nhặt. Cường Bạo đại vương thương mẹ rất mực, nhưng đi ăn cắp nuôi bà, sau này “quên” cả cúng giỗ gia tiên lẫn bố mẹ. Thánh Tam Bành trừng phạt các thành hoàng có lỗi (thành hoàng mà cũng có lỗi!) quá tay khiến các vị kêu cứu lên thiên đình, rồi Phật Tổ Như Lai và Quỷ Cốc tiên sinh phải ra tay kiềm chế. Còn Bà Chúa Liễu Hạnh ra oai với tất thẩy, cả những ai không biết đến danh tiếng của mình, để muôn chúng sinh phải nể sợ mới thôi.
Chừng như là, có một chút cái “máu” của những kỳ nhân ấy, Trần Huy Liệu phải vào người cái tính độc lập bướng bỉnh không chịu khép mình vào những trật tự, khuôn khổ bình thường một khi ông không thấy nó là hợp nhẽ. Nhưng đó là chuyện mãi sau này…
Ông sinh ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, không trù phú bằng Liên Bảo, Liên Minh trong nghiệp “trồng” nhân tài, nhưng lại là quê Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của thần thoại Việt.