Đây là sách gối đầu giường của mình, đọc rất nhiều lần và đánh dấu đầy sách. Sách ngắn, nếu những điều rất thiết thực (nhưng không dễ thực hiện), trong việc rèn luyện bản thân, tinh thần bên trong và kỷ luật bên ngoài. Mình đặc biệt thích cách viết của cụ Nguyễn Duy Cần, rất gần gũi, chỉ đúng bệnh, như đang trò chuyện, không dùng những văn vẻ đao to búa lớn như các sách kỹ năng hiện giờ (và giá trị hơn một mớ sách kiểu đó), đọc rất thích và rất thấm. Cụ minh họa bằng các điển tích Á Đông (cụ có vẻ thích Lão Tử và Trang Tử), nên gần với tính cách người VN và dễ tiếp thu hơn. Tất nhiên sách viết đã hơn nửa thế kỷ, có những đoạn không phù hợp, có đôi chỗ hơi khiên cưỡng, nhưng trong các sách cụ cũng hay nói “chấp kinh thì phải tùng quyền”, chỉ chọn lọc những đoạn mà mình cảm thấy tâm đắc nhất, đọc đi đọc lại và cố gắng làm theo, cũng đã cực kỳ đáng quý rồi.
Thu Giang – Nguyễn Duy Cần là học giả không lạ gì đối với những ai đam mê tìm hiểu Đạo Học của Trung Hoa cổ. Văn phong của ông nhẹ nhàng, trầm mặc nhưng đầy sức thuyết phục. Cái dũng của thánh nhân được viết ra nửa trước của thế kỷ XX, tuy nhiên sức ảnh hưởng của nó đến thời đại này không hề nhỏ. Trong lối sống công nghiệp như hiện nay, tính ghanh đua và đố kỵ đã len lỏi vào những góc nhỏ nhất của tâm hồn, chúng để lại những tư duy phờ phạc vì sợ bị dòm ngó, sợ bị phê phán và trên hết là sợ bị xem thường. Chúng ta đã quên đi giá trị nội tại của bản thân mình, quên đi sức mạnh vốn có của sự điềm đạm, sự bình tĩnh – thứ thực sự cần thiết, để trở thành một con người đúng nghĩa sống, chứ không phải tồn tại. Đó là những gì Cái dũng của thánh nhân đề cập. Chẳng cao siêu gì, chẳng xa xôi gì, chỉ ở ngay nội tâm ta mà thôi… hoàn toàn có thể đạt được. Sách được viết đơn giản, kết hợp với những câu chuyện cổ học tinh hoa làm ví dụ, kèm theo là tinh hoa ý vị của đạo học mà Thu Giang đã dễ dàng truyền tải qua các câu văn súc tích mà trầm mặc. Một cuốn sách rất đáng đọc.
CHƯƠNG I: CÁI DŨNG CỦA THÁNH NHÂN
Đức Hạnh của con người, dẫu có nhiều thứ bực nào, cũng không ngoài hai loại: tư đức và công hạnh.
Tư đức là những đức tánh ăn chịu về nhân cách riêng của từng cá nhân như: nhẫn nại, can đảm, quả quyết, điềm đạm.
Công hạnh là những hạnh tốt của cá nhân đối với người chung quanh, như đối với cha mẹ, anh em, bà con, vợ chồng, bậu bạn và hơn nữa, với chủng tộc và nhân loại
Ở đây, tôi xin bàn về cái tư đức đầu tiên mà cũng là cứu cánh của tất cả những tư đức khác, tức là cái tư đức căn bản đưa con người lên tới bực CHÍ NHÂN: tính ĐIỀM ĐẠM.
Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính ĐIỀM ĐẠM làm căn bản. Phật, bàn về “tâm vô quái ngại”; Lão, nói về “vô vi điềm tĩnh”; Nho, luận đến “hạo nhiên chi khí”, – toàn chỉ vào một đức tánh đã nói trên: ĐIỀM ĐẠM.
ĐIỀM ĐẠM là gì?
Điềm-đạm tức là cái tính “như như bất động”, thản nhiên bình tĩnh, “không để cho ngoại vật động đến tâm mình”. Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ cả Tình dục và Ý chí của mình. Nói một cách khác, người điềm đạm, tức người “tự động” không “bị động” vì những vật không tùng mình nữa.
“Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, bèn lấy đờn, đờn và ca. Tử Lộ hỏi: “Phu Tử làm sao vui được thế?…” Khổng Tử nói: “Ngươi lại đây ta nói cho mà nghe Ta đã làm hết sức ta, để tránh cái chuyện nầy, thế mà không được, đó không phải còn tại ta nữa, mà là tại Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị cự cùng như ta ngày nay đâu, chẳng phải do nơi cái tài thận trọng của các ông ấy hơn ta mà được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ, không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại chỉ vì cái Mạng của họ không giống như hai người kia. Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của bọn chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của bọn thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái DŨNG của Thánh nhân”[2]
Cái Dũng của Thánh nhân tức là chỗ cùng cực của Điềm Đạm.
Tích xưa, – theo thần thoại Phù tang – các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ cả thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài nầy, có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, cũng là người cao tuổi hơn hết.
Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
– Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ mình là người bất khả xâm phạm nữa.
Vị thần Bão tố, bước ra nói: -Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa kìa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ.
Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên Ban đầu từ từ… kế đó sóng nổi gió tung Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to cuồn cuộn ầm ầm chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng giã Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt Sóng càng phút càng cao, gió càng phút càng lớn hăm he chìm ngập đến cõi trời. Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.
Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
“Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục”.
Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu thổi lên một hơi, nhẹ nhàng, êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây dại Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.
Nhưng có một vị thần thái độ huyền bí, dường như thản-nhiên bất-động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.
Sóng bủa, nước dưng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm huyền ảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.
Vị trọng tài day qua hỏi: -Ngài có phải mù, điếc gì không?
– Không. Tôi thấy và tôi nghe.
– Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dưng không làm cho quả tim Ngài chao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?
– Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.
– Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?
– Không. Tôi là “Điềm Đạm”. Tôi là kẻ biết huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người còn làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.
“Có ích gì lo đi chế-trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt
Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dưng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai.”…