Bốn Mươi Năm Nói Láo – thậm chí ngay từ cái tên, cuốn sách này đã hứa hẹn là một tác phẩm không thể thú vị và đặc sắc hơn nữa.
Vậy ý nghĩa ẩn chứa đằng sau cái tên ấy là gì? Ở trang viết đầu tiên của tác phẩm, Vũ Bằng đã lý giải như thế này:
“Bây giờ, người ta gọi nghề làm báo là nghề nói láo ăn tiền. Kẻ viết bài này ngã vào nghề đó đã lâu, hôm nay, ngồi giở lại cuốn sổ ký ức của mình, xin nhận ngay là mình làm nghề “nói láo”. Vì thế tác giả lấy đầu đề tập ký ức là “Bốn mươi năm nói láo” chớ không dám đề là “Bốn mươi năm làm báo”.”
Rõ ràng, tác phẩm này chính là cuốn hồi ký về con đường làm báo của nhà văn Vũ Bằng. Nhưng không chỉ có thế, Bốn Mươi Năm Nói Láo tái hiện một thời kỳ vô cùng sôi động của báo chí Việt Nam hàng chục năm nửa đầu thế kỷ XX với biết bao câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn: “chuyện bọn thực dân không từ thủ đoạn nào để khủng bố, chèn ép những người làm báo dám công khai đả kích quan trường, lên án chế độ thuộc địa; chuyện tờ “Công dân” chấp nhận đóng cửa chứ nhất quyết không hạ bút xin lỗi viên tri huyện giết người theo yêu cầu của bọn mật thám; chuyện các nhà báo mắc bẫy Pháp quay sang đả kích căm thù lẫn nhau; chuyện hầu hết các nhà báo, nhà văn ai cũng “nghiện lõ đít”, hút á phiện sáng đêm, chơi cô đầu tưng bừng…”
Ai mà đọc tác phẩm này, chắc cũng không khỏi ngạc nhiên khi biết Vũ Trọng Phụng viết Giông tố và Số đỏ theo kiểu “ăn xổi”: “… Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho “Hà Nội Báo” – tiểu thuyết “Giông tố” bắt đầu viết từng kỳ trên báo này – Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước “Giông tố” đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc “Giông tố” hết. Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm “Hà Nội Báo” để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống.”
Dù đôi lúc có chút suồng sã nhưng Bốn Mươi Năm Nói Láo là một tác phẩm vô cùng sinh động, chân thật, được tác giả gửi gắm trọn vẹn ưu tư của một người làm báo chân chính.