Xét về thảo mộc học, Tóc Tiên là một loại dây leo, thân mảnh, lá đẹp như lá rong nhưng không con cá nào đớp được, bởi vì Tóc Tiên không chơi với nước, Tóc Tiên mọc lơ lửng giữa trời và đất. Chưa kể đến hoa, hoa của cây Tóc Tiên từ lúc hàm tiếu cho đến lúc dậy thì đều đỏ hồng như son môi. Mà nhắc đến son môi, bất giác người ta lại nhớ đến đó là vũ khí của con gái.
Thật vậy, xét về sinh vật học, con gái mang tên Tóc Tiên môi không cần thoa son vẫn đỏ, lại mang đặc tính thích leo trèo vì nguồn gốc bẩm sinh của mình, thí dụ như trèo lên cây mận cây ổi bất cứ lúc nào thèm ngọt thèm chua thèm muối ớt, chưa kể có thể bơi dưới nước được và thậm chí có thể vừa bơi vừa cười.
Xin phép được giới thiệu đôi lời về cây Tóc Tiên và cô Tóc Tiên như thế. Nếu các bạn cho đây là sự cường điệu của người viết thì mời ghé thăm hẻm cô Nương, ở đó có một căn nhà gác suốt mà dọc hàng rào, chúng ta chỉ thấy toàn một màu xanh của dây Tóc Tiên. Đến đây, chắc các bạn lại thắc mắc: nguyên nhân nào lại gọi là hẻm cô Nương? Vô cùng đơn giản như ăn chè đậu đen nấu đường cát trắng, cô Nương là tên một cô giáo đứng tuổi cư ngụ lâu đời nhất trong con hẻm này, ngoài ra “cô nương” còn là tên gọi chung các tiểu muội dễ thương trong con hẻm, làm sao có thể gọi khác hơn được chứ khi tất cả mọi con trai trên đời đều biết luống cuống vì hai chữ “cô nương”?
Sinh nhật Tóc Tiên có ba sự kiện đáng chú ý. Cô phân loại nó sau khi ba nhân vật gây nên ba sự kiện trên biến mất.
Nhân vật đầu tiên mệnh danh là Thổ Phỉ, hắn xuất hiện vào lúc bốn giờ chiều, cùng với sự xuất hiện của hắn là một viên pháo đại nổ tung trước cửa, màu xanh của hàng rào dây leo trong chớp nhoáng phủ đầy sương mù. Má của cô đã bịt hai tai lại vì sợ hãi, nhưng hắn, tên Thổ Phỉ, hắn đã tỉnh bơ bước vào nhà kéo ghế ngồi xuống một cách đĩnh đạc sau khi hét lớn:
– Tóc Tiên ơi!
Sẵn bình trà và những chiếc ly trên bàn, hắn ung dung rót nước bất chấp dung nhan mùa giáp tết của Tóc Tiên.
– Ông toàn làm những chuyện dị hợm.
– Tôi là “phỉ” mà, à…
Hắn quay qua tìm kiếm người phụ nữ đứng tuổi trong nhà:
– À… cháu xin lỗi bác.
Nhưng người phụ nữ đã chạy qua bên hàng xóm từ hồi nào, bà chỉ có thể tâm sự với cô giáo Nương về hậu quả của nền giáo dục bây giờ.
– Ông phải ân hận về viên pháo vừa rồi.
– Sao tôi lại ân hận hả cô bé, cách chúc mừng của tôi là như vậy, vả lại lúc này Tết nhứt đến nơi, Tóc Tiên quên rồi sao?
– Quên.
– Dám phá là không bao giờ phải nói dám tiếc.
– Tiếc.
– Phá là một phép lạ của hồn nhiên.
– Cái gì? Tóc Tiên hất hất mái tóc. Thổ Phỉ mà cũng tin vào phép lạ ư?
– Ông còn phép lạ nào dịu dàng hơn không?
– Còn chứ.
Thổ Phỉ cười thích thú, có lẽ do hắn cao lớn nên tiếng cười hắn âm vực rộng, tiếng cười hắn phóng khoáng như trẻ con.
– Tôi phải về sửa xe Tóc Tiên ơi, còn đây là quà của cô bé…
Hắn móc trong túi quần jean bạc phếch ra một cái hộp nhỏ xinh xắn, chỉ lớn hơn hộp diêm quẹt một chút và đặt trên bàn. Tóc Tiên không cần phải cầu viện Thượng Đế, hắn biến mất nhanh chóng như khi hắn đến. Cô chỉ có nước lắc đầu. Mở ra xem thì… trời đất, trong gói giấy là mười bảy viên pháo chuột xếp hàng ngay ngắn. Bộ muốn cô phải tan tành như xác pháo hay sao?
Cô lập tức lục nhật ký riêng để tìm hiểu lý lịch Thổ Phỉ, té ra hắn là gã sửa xe bụi đời trước ký túc xá sinh viên, đang học lớp 12 và thông minh khỏe mạnh, vá xe cho Tóc Tiên và Con Mèo cả thảy tám lần không lấy tiền, chỉ đòi lấy nụ cười để không còn bị thiên hạ gọi là “Thổ Phỉ” nữa.
Nhật ký của cô đã ghi vỏn vẹn như vậy, rõ ràng đây không phải là nhân vật hoàng tử trong cổ tích, đây là biến tướng của “thảo khấu, cường sơn”. Nhân vật thứ hai mệnh danh là Con Thỏ, cô là một trong nhiều “con thú” xinh đẹp của Thảo Cầm Viên lớp mười hạ. Trong lớp, nhỏ Hường ù bị gọi là Con Voi, nhỏ Tâm liến thoắng bị gọi là Con Khỉ, nhỏ Đào hay ăn vụng bị gọi là Con Mèo… thành thử đôi mắt bồ câu mơ mộng của Thu bị gán là Con Thỏ cũng hợp lý thôi.
Con Thỏ lịch sự hơn tên Thổ Phỉ nhiều, cô đến vào lúc năm giờ chiều.
– Bác đi đâu rồi Tóc Tiên?
– Má trốn qua nhà cô Nương cho tụi mình được tự do.
– Bất hiếu nhỉ.
– Đừng lộn xộn, nhỏ đến một mình à?
– Tao định rủ Con Mèo, nhưng thấy không cần thiết.
– Sao vậy?
– Vì trước sau gì nó cũng đến, nhóm Tam Cô Nương đi đâu cũng có nhau cơ mà.
Tóc Tiên hôm nay rất điệu, cô mặc bộ đồ đầm công chúa thay cho tà áo dài nữ sinh mỗi ngày, và công chúa trố mắt ngó món quà sinh nhật của Con Thỏ trên bàn: đúng mười bảy cây đèn cầy đủ màu sặc sỡ.
– Phép lạ là đó hả nhỏ.
– Thêm một yếu tố thần thoại trong ngày hăm ba Tết.
– Lúc nhỏ chưa đến, Thổ Phỉ đã đốt tao bằng mười bảy viên pháo chuột.
– Nói khe khẽ chứ, tất cả đều có liên quan hết.
– Trời ơi, nhỏ nỡ nhại ngôn ngữ của ta sao?
– Thực mà, tất cả đều không nằm ngoài phép lạ, rồi nhỏ coi…